Tại sao răng lại nhạy cảm với cảm giác đau?

Theo Dân trí-Thứ hai, ngày 27/01/2020 20:44 GMT+7

VTV.vn - Nghĩ đến răng, người ta hay nghĩ đây là một “công cụ” cắt, nghiền, giúp chúng ta có thể ăn được. Nhưng nếu chỉ là “công cụ” thì tại sao răng lại biết cảm giác đau?

Tại sao răng lại nhạy cảm với cảm giác đau? - Ảnh 1.

Cậu bé này bị đau răng do tủy răng hay do dây chằng nha chu?

Nhưng thật ra răng nhạy cảm như vậy lại là tốt.

Bác sĩ Julius Manz – Giám đốc Chương trình vệ sinh răng miệng của Trường đại học San Juan ở bang New Mexico, đồng thời là người phát ngôn của Hiệp hội Nha khoa Mỹ - cho biết đau răng là một cơ chế tự vệ, nó báo cho ta biết khi răng bị hỏng và cần được điều trị. Nếu bạn ăn thức gì quá nóng hoặc nhai gì quá lạnh, hoặc nếu răng bị mòn đến mức lớp tế bào phía dưới của răng lộ ra thì bạn sẽ thấy đau ở răng, sau đó bạn sẽ không nhai, cắn bằng chiếc răng đó nữa để bảo vệ nó. Vì vậy răng nhạy cảm chính là cơ chế bảo vệ chứ không vì lí do gì khác.

Nếu răng không cảm thấy đau, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng chiếc răng đó và có thể làm nó bị hỏng nặng hơn. Đối với con người, răng trưởng thành bị hỏng sẽ là một vấn đề lớn bởi vì răng trưởng thành không thể mọc lại được (còn ở một số loài vật như cá mập và cá sấu thì vẫn có thể).

Đau tủy răng

Răng có 3 lớp và chỉ có một lớp trong cùng có thể bị đau, đó chính là tủy răng. Tủy răng có các mạch máu và các dây thần kinh. Đau là cảm giác duy nhất mà dây thần kinh tủy răng phản hồi. Cho dù những người có răng nhạy cảm thấy rất phiền vì bị ê buốt khi ăn đồ nóng hoặc lạnh thì dây thần kinh trong tủy răng cũng không cảm nhận được nhiệt độ mà chỉ thấy đau thôi.

Lớp giữa của răng gọi là ngà răng, là một lớp sống nhưng không có dây thần kinh. Tuy vậy, ngà răng chứa chất lưu chuyển động quanh mỗi khi răng chuyển động và tủy răng có thể cảm nhận chuyển động của chất lưu đó. Lớp ngoài cùng của răng là men răng, là lớp chết và vì thế không cảm nhận được gì.

Đau dây chằng

Mặc dù tủy răng là lớp duy nhất của răng có dây thần kinh nhưng tủy răng không phải nơi duy nhất có thể gây đau răng. Dây chằng nha chu là bộ phận gắn răng dính vào ổ răng và cảm nhận vị trí của răng khi chúng ta nhai. Dây chằng nha chu cũng có thể gây ra cảm giác đau.

Khi cả tủy răng và dây chằng nha chu đều báo tín hiệu đau thì người bệnh rất khó nhận biết đau răng do đâu. Ngay cả các nha sĩ cũng khó xác định được điều này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

răng, nha khoa

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước