Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử

Hương Uyên-Thứ ba, ngày 08/10/2024 18:09 GMT+7

VTV.vn - Trưng bày “Hà Nội và những Cửa ô” nhằm giới thiệu lịch sử của các Cửa ô Hà Nội gắn liền với lịch sử của mảnh đất Thăng Long.

Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hà Nội và những Cửa ô”. 

Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử - Ảnh 1.

Thông qua các nguồn sử liệu, trưng bày tái hiện lịch sử các Cửa ô của Hà Nội, các hoạt động đời sống xã hội xung quanh các Cửa ô và sự biến mất của hầu hết các Cửa ô vào những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, trưng bày còn giới thiệu về quá trình tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954) và những bước phát triển của Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất đến nay.

Phát biểu tại lễ khai mạc Trưng bày, ông Đặng Thanh Tùng (Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) cho biết, Hà Nội ghi nhận từng có 21 cửa ô. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của đô thị Hà Nội, giới hạn của thành phố ngày một mở rộng, dẫn đến việc biến mất dần các cửa ô xưa. 

Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử - Ảnh 2.

Ông Đặng Thanh Tùng (Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) phát biểu tại lễ khai mạc trưng bày

Tại triển lãm, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: "Hình ảnh 'Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về' đã in đậm trong ký ức của bao người dân Thủ đô. Chặng đường vẻ vang của Thăng Long – Hà Nội là quá trình tiếp nối truyền thống của cha ông, tạo nên những dấu ấn lịch sử của Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình qua 70 năm xây dựng và phát triển".

170 tài liệu, hình ảnh được trưng bày, chia thành 3 nội dung: “Cửa ô xưa”, “Cửa ô chiến thắng” và “Cửa ô Hà Nội hôm nay”. Nội dung “Cửa ô xưa” là nơi giới thiệu về lịch sử hình thành các Cửa ô của Thăng Long - Hà Nội, về kiến trúc, vai trò, công năng của các Cửa ô Hà Nội, về sự biến đổi về tên gọi và số lượng các Cửa ô theo từng giai đoạn. 

Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử - Ảnh 3.

Cửa ô Cầu Dền cuối thế kỷ XIX

Cùng với những tác động của người Pháp trong quá trình quy hoạch Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các Cửa ô Hà Nội đã dần bị phá hủy. Cửa ô Quan Chưởng là chứng tích còn lại duy nhất đến ngày nay, lưu dấu về sự tồn tại và hình dáng của các Cửa ô của Thăng Long - Hà Nội xưa.

Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử - Ảnh 4.

Hình ảnh Ô Quan Chưởng trong lịch sử

“Cửa ô chiến thắng” kể lại câu chuyện lịch sử về sự kiện các đoàn quân bộ đội cụ Hồ, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô từ các Cửa ô xưa tiến về tiếp quản Hà Nội vào tháng 10/1954, đặc biệt là Lễ chào cờ chiến thắng tại sân vận động Cột Cờ ngày 10/10/1954, với sự tham gia của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. 

Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử - Ảnh 5.
Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử - Ảnh 6.

Hình ảnh những đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô từ các cửa ô ở Hà Nội năm 1954

Tại đây, những tài liệu, hình ảnh về những ngày tiếp quản của quân dân Thủ đô trên các ngành: Nội chính, trước bạ, canh nông, giao thông, bưu điện, thuế… được giới thiệu tới công chúng.

Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử - Ảnh 7.

Nội dung “Cửa ô Hà Nội hôm nay” làm nổi bật diện mạo của Hà Nội sau những thay đổi địa giới hành chính. Hà Nội đã phát triển bền vững trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999), là thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo (30/10/2019).

Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử - Ảnh 8.

Công cuộc đổi mới của Thủ đô Hà Nội từ sau ngày giải phóng đến nay

70 năm đã trôi qua, từ dấu tích của các Cửa ô xưa - Cửa ô chiến thắng, Hà Nội hôm nay ngày càng mở rộng và phát triển để Thủ đô xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trái tim của cả nước. 

Đây là dịp để mọi người chiêm ngưỡng các hình ảnh tư liệu không chỉ về ngày Giải phóng Thủ đô mà còn về Hà Nội trong suốt các thời kỳ đấu tranh và phát triển. Triển lãm cũng tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Nội qua các cửa ô, những chứng nhân cho tinh thần bất khuất và sự trường tồn của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Một số hình ảnh tại trưng bày:

Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử - Ảnh 9.

Hình ảnh Ô Quan Chưởng - cửa ô cuối cùng còn lại của Thăng Long - Hà Nội và bản đồ Hà Nội cuối thế kỷ XIX

Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử - Ảnh 10.

Bản đồ những cửa ô ở Thăng Long - Hà Nội năm 1883

Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử - Ảnh 11.

Thiết kế của Cửa ô thể hiện trên bản đồ Hà Nội năm 1885

Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử - Ảnh 12.

Cửa ô Quan Chưởng trước đây là cổng của con phố Jean Dupuis, được dựng bằng gỗ, tạo thành một hàng rào đơn giản dựng trên chỗ đất cao để canh gác

Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử - Ảnh 13.

Một buổi họp chợ nhỏ ngay tại Cửa Ô Quan Chưởng, Hà Nội

Tái hiện câu chuyện của Thủ đô qua những cửa ô lịch sử - Ảnh 14.

Khung cảnh buổi lễ chào cờ lịch sử ngày 10/10/1954

Trưng bày mở cửa đón khách tham quan từ 7/10/2024 tại Khu Di sản Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước