Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc

Nguyễn Hiền, Hải Anh, Mạnh Thắng, Chu Chỉnh-Thứ bảy, ngày 03/08/2024 06:50 GMT+7

VTV.vn - Theo nhiều nghiên cứu, ngành dệt may tạo ra một lượng rác thải đáng kể, bao gồm vải vụn và quần áo cũ.

Tuy nhiên, nhiều sáng kiến đổi mới đang được triển khai để biến loại rác thải này thành các sản phẩm bền vững.

Tại thành phố Đà Nẵng, vải vụn được tái chế thành những sản phẩm thời trang có tính thẩm mỹ cao và thân thiện với môi trường. Điều đặc biệt là các sản phẩm này đều được tạo ra bởi đôi bàn tay khéo léo của những người thợ may là người khuyết tật.

Nhìn những chiếc túi được may tỉ mỉ, ít ai ngờ rằng chúng lại được làm từ những mảnh vải vụn tưởng chừng như vô giá trị. Những sản phẩm này được làm ra nhờ sự khéo léo và sáng tạo của những người phụ nữ khuyết tật tại Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng Đà Nẵng, gọi tắt là CORMIS. Hơn bảy năm qua, nơi đây đã trở thành ngôi nhà chung của nhiều người khuyết tật trong dự án "Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc".

Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc - Ảnh 1.

Một sản phẩm của CORMIS.

Chị Đặng Thị Mỹ Trình (Đà Nẵng) cho biết: "Ở CORMIS, mình chọn lọc vải, giao đơn hàng cho các bạn ở xa. Mình cũng khâu tay mấy đồ handmade. Nói chung học được nhiều thứ, giúp mình tự tin hơn trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường".

CORMIS đã hợp tác với các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp và các xưởng may để gom vải thừa. Hơn 400.000 sản phẩm đã được tái chế, tạo thêm thu nhập cho nhiều người khuyết tật tại Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Các sản phẩm tái chế này còn được bày bán tại những khách sạn lớn.

Chị Lê Thanh Thảo - quản lý Khách sạn Meliá Vinpearl Danang Riverfront - cho biết: "Chúng tôi hợp tác với CORMIS dựa trên tinh thần là bảo vệ môi trường và hướng tới cộng đồng. Chúng tôi mong muốn là chính nhân viên của mình cũng hướng đến việc là giúp cho bảo vệ môi trường. Và ngoài ra đối với khách, khi người ta lưu trú ở đây, họ cũng rất hưởng ứng điều này".

Không chỉ giúp tìm kiếm việc làm, CORMIS còn hỗ trợ nhiều người khuyết tật chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng. Các hoạt động của CORMIS còn thu hút nhiều tình nguyện viên là người nước ngoài tham gia, tạo nên một cộng đồng đa dạng và gắn kết.

Bạn Ridhwan Bin Haji Hashim - tình nguyện viên người Brunei - nói: "Chỉ khi đến CORMIS thì chúng tôi mới được thực hành những kiến thức về phát triển bền vững. CORMIS đã giúp tôi mở mang đầu óc. Tôi muốn làm người tốt. Tôi muốn giúp đỡ mọi người".

Chị Nguyễn Thị Ly Na (Quảng Ngãi) cho biết: "Sau khi tham gia CORMIS, tôi cảm thấy mình sống hòa nhập hơn, cảm thấy mình được yêu thương sớm, tự tin hơn, có ý nghĩa hơn".

Chị Mai Thị Dung - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng (CORMIS), TP. Đà Nẵng - chia sẻ: "Tôi nghĩ, mình không hối hận về chuyện từ bỏ những tổ chức rất lớn để làm một tổ chức bé bé như thế này. Ở đây nó không chỉ là tạo thu nhập mà còn là tình người, là sự kết nối, có giá trị mà con người muốn hướng tới".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước