Sử dụng tủ lạnh thế nào là hiệu quả?

CSTN-Thứ ba, ngày 11/03/2014 20:32 GMT+7

Bảo quản thức ăn thế nào và cách sắp xếp thực phẩm trong tủ lạnh ra sao cho thật hiệu quả, các bạn hãy tìm hiểu qua bài viết sau.

Chiếc tủ lạnh quen thuộc trong hầu hết mọi gia đình với chức năng làm lạnh và bảo quản thức ăn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách giữ thức ăn trong tủ lạnh sao cho an toàn mà vẫn giữ được đầy đủ chất dinh dưỡng. Hơn nữa, nhiều bà nội trợ thường coi chiếc tủ lạnh là nơi bảo quản thức ăn tuyệt đối an toàn, cứ cho vào tủ lạnh là đồ ăn để bảo lâu cũng được. Đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm.

Trong tủ lạnh vi khuẩn không chết mà chỉ phát triển chậm lại hoặc ngừng phát triển, độc tố của chúng cũng không bị phá hủy. Chúng chỉ tạm thời “ngủ yên”, đợi khi ra khỏi tủ lạnh gặp điều kiện nhiệt độ bình thường trong nhà ở hoặc nhiệt độ của cơ thể con người, sẽ tỉnh táo trở lại, phát triển và hoạt động bình thường ngay.

Hiện nay, tủ lạnh thường gồm hai ngăn, ngăn đông có nhiệt độ âm và ngăn lạnh có nhiệt độ dương. Về mùa đông, nếu đặt ở số 1 (ít lạnh nhất) nhiệt độ trong ngăn đá sẽ khoảng từ 2 đến 5 độ C, nhiệt độ ngăn bảo quản rau quả khoảng từ 7 đến 10 độ C; phù hợp để bảo quản thức ăn ngắn hạn. Nhưng về mùa hè, muốn duy trì nhiệt độ này phải điều chỉnh lên số 4, số 5.

‘ Mỗi ngăn tủ lạnh cần điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp.

Đối với ngăn mát

- Hoa quả tươi nên để ngăn riêng. Rau củ ở ngăn riêng. Nên để những thứ này ở hộc tủ dưới cùng. Không nên để trái cây quá sát bên nhau trong tủ lạnh để tránh một trái chín sớm làm lây sang các hoa quả khác.

- Dù là trong tủ lạnh, thực phẩm vẫn cần được bảo quản trong hộp riêng đậy kín.

- Mặt kính sát với ngăn rau củ là nơi có nhiệt độ thấp nhất. Do đó đây cũng là nơi thích hợp cho những món ăn dễ hư như thịt, cá.

Chú ý: Một số thực phẩm như phô mai, cá, khô, một số rau quả dễ bốc mùi như đu đủ, hồng, bắp cải, củ hành... nên được bọc kín bằng giấy bạc.

- Ngăn trên cùng là nơi dành cho các món ăn chỉ cần nhiệt độ “mát” như sữa chua, bánh ngọt, trứng, bơ, mứt.

- Ngăn kế tiếp phía dưới là nơi phù hợp cho gia vị, cà phê.

- Nên trữ đồ hộp, lọ mứt… có độ cao vừa phải ở cánh tủ lạnh. Không nên để trứng ở cánh tủ vì khi mở, nếu không cẩn thận thì trứng có thể rơi ra ngoài.

‘ Ngăn mát cuối cùng thích hợp để cất trữ rau củ.

Đối với ngăn đông đá, khi sử dụng, bạn cần lưu ý:

- Thực phẩm đã lấy ra khỏi ngăn đông đá phải dùng ngay vì nếu đã rã đông rồi lại cho vào ngăn đông đá là một trong các lý do hàng đầu gây nhiễm độc thực phẩm.

- Thực phẩm mới cho vào ngăn đông đá nên để ở phía trong, thực phẩm mua trước đó nên xếp ra ngoài để sử dụng trước.

- Nên gắn nhãn trên thực phẩm đông đá để tránh trường hợp dùng nhầm đồ để lâu. Việc gắn nhãn đề ngày mua, ngày mở hộp hoặc ngày hết hạn sản phẩm đông lạnh, đồ hộp nên áp dụng cả dưới ngăn mát.

Để phòng tránh bệnh tật, giữ gìn vệ sinh thực phẩm thật tốt khi sử dụng tủ lạnh, bạn cần lưu ý:

- Nước dùng làm kem, làm đá phải là nước đã đun sôi.

- Thức ăn chín muốn để dành phải đưa ngay vào tủ lạnh chậm chất là 4 giờ sau khi xào nấu xong. Khi cần lấy ra khỏi tủ lạnh phải ăn ngay không để lâu quá 4 giờ ở nhiệt độ trong nhà.

- Những thức ăn sống như thịt, cá… muốn để dành phải cất vào tủ lạnh ngay sau khi sơ chế, không được để chậm quá 4 giờ. Khi lấy ra khỏi tủ lạnh phải chế biến ngay.

- Đối với những thực phẩm sống hoặc chín không biết chắc chắn chế biến từ bao giờ, rất có thể đã bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc tố của vi khuẩn, cần phải chế biến ngay hoặc đun nấu lại cẩn thận trước khi cho vào tủ lạnh.

- Cần nhớ tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn chứ không có tác dụng diệt khuẩn. Vì vậy những thức ăn đưa vào tủ lạnh phải là những thức ăn tươi, sạch, không bị nhiễm khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn mới đảm bảo an toàn.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước