Sách hay: “Alain nói về hạnh phúc”

Việt Hùng-Thứ hai, ngày 30/09/2013 22:57 GMT+7

“Alain nói về hạnh phúc” là một ấn phẩm độc đáo ở chỗ dù mang nội dung triết học thuần túy nhưng cách viết và kể chuyện lại mang đầy chất văn học. Bởi thế có thể gọi đây là cuốn sách “triết - văn” đặc sắc mang đầy chất đời và hơi thở cuộc sống mà không phải là những lý luận khô khan, khó tiếp cận.

Chắc hẳn mỗi người trong suốt cuộc đời, đặc biệt là trong những năm tháng tuổi trẻ đã từng tự hỏi: “Hạnh phúc là gì?” Một câu hỏi thật không dễ trả lời. Và khi cầm cuốn sách này, nhiều bạn đọc cũng đã phải tự đặt câu hỏi: tại sao nói về hạnh phúc mà Alain, nhân vật chính được đưa lên trang bìa lại có bộ mặt cùng dáng điệu u ám như vậy?

Câu trả lời nằm ở chỗ, tác giả Émile Chartier, một nhà triết học, một nhà báo nổi tiếng của Pháp nửa đầu thế kỷ XX đã nói với bạn đọc câu chuyện về hạnh phúc thông qua những tìm hiểu về các chứng suy nhược thần kinh, về căn bệnh sợ hãi, về trí tưởng tượng cũng như những nỗi khổ tinh thần, về nụ cười, sự cáu kỉnh, tính cách cá nhân, định mệnh, số phận, ý muốn, sự tuyệt vọng, các lời tiên đoán, sự buồn chán, niềm hi vọng cho đến hành động... rồi tận cùng là cái chết.

Một thí dụ thú vị về bệnh tưởng mà Alain kể, đó là sau nạn đắm tàu Titanic làm chết 1.500 người, những nạn nhân sống sót từ đó sống triền miên trong ám ảnh về đau đớn và cái chết. Cảm giác về cái chết, sự đau đớn thường xuyên xảy ra trong não bộ của họ qua sự trỗi dậy không ngừng nghỉ của ký ức và tưởng tượng. Những người thoát chết đã phải trải nghiệm cái chết hàng ngàn, hàng triệu lần, trong khi những người “thực chết” trong nạn đắm tàu thì chỉ trải qua cái chết một lần.

Vì thế, theo tác giả thì con người không sống với hiện tại, hành động cho hiện tại mà mất quá nhiều năng lượng ngồi không để đắm chìm trong ký ức và tưởng tượng về tương lai với quá nhiều mối lo âu. Quá khứ và tương lai chỉ hiện hữu khi nào chúng ta nghĩ về chúng - đó là ý tưởng, chứ không phải sự thực.

Đọc Alain, chúng ta thấy, tác giả đã thực sự chống lại quan điểm phân tâm học của S. Freud khi đề cao vai trò chi phối hành vi của vô thức. Với Chartier, mọi thứ không sẵn có mà phải bằng sự cởi mở, sáng sủa của ý thức, hành động tích cực, người ta mới có thể điều khiển được cái gọi là tâm tính và xa hơn là “định mệnh” của mình theo chiều hướng tốt đẹp.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước