Hạn sử dụng của đũa là bao lâu?
Đũa là vật dụng quen thuộc trong các bữa ăn của người Châu Á, tuy nhiên, nếu sử dụng đũa trong thời gian dài mà không thay đổi có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí, làm gia tăng nguy cơ bị mắc ung thư gan.
Bởi lẽ, đũa là nơi chứa nhiều vi sinh vật gây hại được tích tụ và hình thành dần trong quá trình ăn. Có thể kể đến vi khuẩn tụ cầu staphylococcus và vi khuẩn escherichia coli (E.Coli), những tác nhân gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa,...Cùng với đó, còn có aflatoxin (nấm mốc) nguyên nhân dẫn đến ung thư gan.
Theo các chuyên gia, đũa làm bằng tre hoặc gỗ thông thường sẽ "hết hạn" từ 3-6 tháng, thấp hơn thời gian sử dụng của đũa gốm, đũa nhựa hay đũa kim loại.
Những trường hợp cần thay đũa ngay lập tức
Nếu đũa vẫn chưa hết hạn nhưng lại gặp phải các tình trạng sau, thì cách tốt nhất là bạn nên thay ngay lập tức để tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe.
- Đũa mốc: Môi trường ẩm thấp là điều kiện lý tưởng để nấm mốc và các vi khuẩn gây hại khác phát triển, đặc biệt đối với các loại đũa làm bằng tre, gỗ. Vì vậy, nếu vật dụng này có dấu hiệu nấm mốc, bạn nên thay thế đũa mới để tránh nguy cơ mắc ung thư.
- Đũa đổi màu và biến dạng: Một số trường hợp đũa bị đổi màu khi dùng ở nhiệt độ cao và biến dạng vì va chạm cũng không nên giữ lại, đặc biệt là đũa nhựa. Vì khi đó, vật dụng này đã bị thay đổi cấu trúc và sinh ra các chất có hại cho sức khỏe.
Cách vệ sinh đũa chính xác
Nhiều người nghĩ rằng, rửa sạch đũa bằng xà phòng đã là cách tốt nhất. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, việc này chỉ tiêu diệt được một phần nhỏ tác nhân gây bệnh có trong đũa. Vì vậy, để vật dụng này luôn trong trạng thái như mới, bạn nên dành ra một chút thời gian vào mỗi tuần để "tắm rửa" chúng:
-Cách 1: Ngâm đũa vào chất tẩy rửa trong vòng một phút, sau đó rửa sạch bằng nước.
-Cách 2: Cho đũa vào nồi nước và đun trong vòng 30 phút, sau đó phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời đến khi khô hoàn toàn. Việc này có thể khử trùng và loại bỏ nấm mốc một cách hiệu quả.
Ngoài ra, bạn cần phải chú ý làm sạch cả ống đựng đũa. Vì nếu món đồ này bẩn, chúng cũng có thể làm bẩn đũa và khiến việc khử trùng đũa trở nên vô ích.
Cắm đũa vào ống đựng đúng cách
Có lẽ rất nhiều người có thói quen cắm đũa tùy ý vào ống đựng mà không để ý đến việc đầu đũa (đầu gắp thức ăn) sẽ tiếp xúc với bề mặt ống hay không.
Vấn đề tưởng như bình thường này sẽ ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm đến sức khỏe vì ống đựng đũa là nơi dễ ngấm nước, tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn gây hại. Do đó, bạn nên cắm sao cho đầu đũa hướng lên trên, để tránh tiếp xúc với ống đựng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!