Chợ phiên Mèo Vạc được họp tại trung tâm thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần. Từ 4 - 5 giờ sáng, bà con dân tộc Mông, Dao, Lô Lô quanh thị trấn đã rục rịch, xúng xính váy áo xuống chợ. Đông vui như hội, ai nấy đều háo hức, mong chờ và rạng rỡ.
Đối với những vùng núi cao có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như Hà Giang, họp chợ phiên chính là dịp người ta được gặp gỡ, chia sẻ và giao lưu những giá trị văn hoá độc đáo của các dân tộc. Và những thức quà đặc sản cũng được quy tụ khiến khu chợ trở nên vô cùng phong phú. Đặc biệt là các loại rau sạch như cải mèo, cải làn, tầm bóp, đậu Hà Lan,... đã trở thành thương hiệu.
Nhắc đến thương hiệu đặc sản của Hà Giang, chắc chắn không thể bỏ qua rượu ngô. Vừa bước chân tới khu vực bán rượu, du khách đã có thể “ngà ngà” bởi hơi men của rượu, vì ở đây có đến hơn chục người bán, mỗi người một vài can. Hình ảnh ấn tượng hơn cả là những người phụ nữ đi chọn rượu rất kỹ, không chỉ nếm thử, có người còn mang theo "cồn kế" để đo nồng độ rượu. Dù rất phổ biến ở vùng cao, nhưng rượu cũng là thứ mà họ nâng niu trân trọng, vì đó là chất kết nối gia chủ với khách mỗi dịp gặp gỡ hàn huyên, gia đình có công việc hay Tết đến xuân về.
Chợ phiên vùng cao cũng là điểm đến lý tưởng cho những tâm hồn đam mê ẩm thực. Nào là thắng cố, mèn mén, nào là bánh tam giác mạch, bánh đá nướng,... nhưng để mà mua về làm quà thì có lẽ bánh chưng gù là số 1.
Bánh chưng gù Hà Giang hấp dẫn không chỉ bởi nguyên liệu, hương vị, mà còn vì câu chuyện từ chính cái tên của nó. Hà Giang được biết đến là cao nguyên với núi đá chênh vênh, địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt. Dọc đường lên bản, qua từng dốc đá, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đeo gùi trên lưng vượt đèo, băng núi làm rẫy. Những chiếc lưng của họ từ vất vả ấy mà gù xuống. Hình tượng đó đặt lên tên chiếc bánh chưng gù mang ý nghĩa của sự biết ơn, ngợi ca vẻ đẹp người phụ nữ Hà Giang từ xưa đến nay cần mẫn, chăm chỉ lao động, sản xuất.
Bà Ngô Thị Làn nay đã 74 tuổi nhưng vẫn vui thích với việc làm bánh chưng gù - công việc thân thuộc mà bà đã gắn bó từ khi còn bé. Mỗi tuần một buổi bán bánh ở chợ phiên, có hôm chỉ trong hơn 1 tiếng là bà hết hàng. Bà tự hào: “Bánh này phải dùng loại nếp nương 10.000 đồng/bơ tương đương hơn 30.000 đồng/cân gạo. Thịt bà phải tẩm ướp gia vị từ hôm trước đến hôm sau gói bánh mới đậm đà.”
Với bà Làn, bánh chưng gù có mặt ở chợ phiên cùng bà không chỉ để mưu sinh, là niềm vui, mà còn là cách bà trân trọng, gìn giữ một giá trị truyền thống gắn liền với người Mông ở Hà Giang.
Du khách ghé Hà Giang từng nói đùa với nhau rằng: Ở miền xuôi, mỗi năm đi chợ tết chỉ dăm ba lần. Nhưng ở đây, ta có thể cảm nhận cái không khí rạo rực như Tết ấy mỗi tuần. Hình ảnh từng dòng người hân hoan, rạo rực trong những bộ áo váy đồng bào sặc sỡ, nối chân nhau đi chợ; những em bé với nụ cười tươi trên lưng mẹ; những chú lợn, chú gà "cắp nách"; những bó rau, củ quả xanh tươi; những vạt áo thêu màu; những can rượu ngô rộn ràng người vây quanh thử,... tất cả đã tạo nên một Hà Giang đáng nhớ trong lòng du khách. Họ đến đây để khám phá một trải nghiệm mới mẻ khác xa thành phố, nhưng cũng để tìm lại những giá trị truyền thống, những cảm giác thân thuộc vốn đã ở sâu trong tâm hồn.
Muôn màu sống động ở chợ phiên Mèo Vạc, Hà Giang
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!