Dự án cánh tay robot bạch tuộc là sản phẩm của Viện công nghệ Sant’Anna - Italia. Đây là bước đầu của dự án chế tạo robot bạch tuộc cứu nạn dưới biển trị giá 10 triệu euro của Ủy ban châu Âu.
Cánh tay được làm bằng cao su mềm và silicone để chống thấm nước, bên trong có một hệ thống cáp điều khiển các cơ bắp nhân tạo hoạt động. Bằng việc điều chỉnh các dây cáp, cánh tay này có thể duỗi ra, co vào và nâng đồ vật. Ngoài ra, nó cũng được trang bị cảm biến để có thể phát hiện các vật thể trong tầm với.
Theo kế hoạch, một con robot bạch tuộc với 8 chi sẽ được ra mắt vào đầu năm 2013. Nhưng ngay từ bây giờ, tiềm năng của nó đã rất lớn.
Giáo sư Laschi cho biết: “Ứng dụng khả quan đầu tiên là sử dụng robot này để thám hiểm đáy biển. Các robot hiện tại thường không thể chạm gần tới đáy biển nhưng với robot này thì khác”.
Trước đây, việc tạo ra một robot mềm dẻo đã là một trở ngại với giới khoa học, bởi lẽ việc chế tạo cơ khí đều dựa trên các nguyên liệu cứng trong khi công nghệ vật liệu dẻo vẫn chưa phát triển. Vì vậy, việc chế tạo thành công robot bạch tuộc sẽ là một bước đột phá trong khoa học.