Việc công nhận “Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường xã Kim Thượng, xã Xuân Đài” là Di sản văn hóa phi vật thể cũng đánh dấu hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đặc trưng ở Phú Thọ.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Toản (Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn) cho biết, đến nay, huyện Tân Sơn được đón nhận 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là: Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao; Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường xã Xuân Đài, Kim Thượng. Đây là vinh dự, là động lực để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Tân Sơn tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị, di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của đồng bào các dân tộc trong huyện.
Ông Nguyễn Xuân Toản (Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn) phát biểu khai mạc buổi lễ
Ông Nguyễn Xuân Toản cũng nhấn mạnh: “Đảng bộ huyện Tân Sơn đã quan tâm ban hành các nghị quyết chuyên đề để chỉ đạo thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, nhằm thực hiện mục tiêu Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Tôi hy vọng rằng, Tân Sơn sẽ là một Hành trình xanh - điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc và hấp dẫn trong lòng du khách và bè bạn gần xa”.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, ông Vi Mạnh Hùng (Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ) ghi nhận và biểu dương những cố gắng của ngành Văn hóa, Thể thao Du lịch; sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền huyện Tân Sơn, xã Xuân Đài, Kim Thượng, Xuân Sơn, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, các sở, ngành có liên quan của tỉnh. “Tôi đề nghị các cấp, các ngành có liên quan, trong thời gian tới tập trung thực hiện một số nội dung để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện Tân Sơn, góp phần thiết thực trong việc phát triển kinh tế - xã hội.” - ông Vi Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Ông Vi Mạnh Hùng (Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)
Xuất phát từ đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất lập mường, giữ bản qua hàng nghìn năm lịch sử, huyện Tân Sơn đã có hệ thống những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, mang đậm nét văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Mường, Dao, Mông. Đây là lợi thế để huyện Tân Sơn thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị, di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Trong đó, dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống có lịch sử hình thành từ lâu đời, là một hoạt động sản xuất truyền thống của người Mường, gắn liền với nhu cầu sinh hoạt thiết yếu thường nhật, chứa đựng và truyền tải những giá trị lịch sử, văn hóa đã được đúc kết, hình thành qua bao thế hệ người Mường. Việc nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người Mường xã Xuân Đài, xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; và các điểm du lịch cộng đồng sinh thái bản Dù, bản Cỏi, Thác Ngọc xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn) được công nhận điểm du lịch cấp tỉnh là niềm vui, vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Sơn, là sự ghi nhận biểu dương xứng đáng với thành quả xây dựng, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa truyền thống.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Các đại biểu trao chứng nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia “Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường” cho đại diện hai xã Kim Thượng và Xuân Đài
Đại diện xã Xuân Sơn nhận Quyết định công nhận các điểm du lịch cấp tỉnh
Tỉnh uỷ - HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh Phú Thọ tặng hoa chúc mừng huyện Xuân Sơn
Thuyết minh viên giới thiệu về nghề dệt thổ cẩm
Tái hiện lại cảnh phụ nữ dân tộc Dao bên khung cửi dệt thổ cẩm
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!