Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với những nét văn hoá đặc sắc, đa dạng và độc đáo. Ở các buôn làng Tây Nguyên, những người phụ nữ Ê đê, M'nông hay J'rai đang chung sức cùng cộng đồng bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc mình.
Chị H'Yar ở buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk biết dệt từ khi lên 10. Với mong muốn khôi phục, phát triển nghề truyền thống, năm 2022, chị H'Yar đã vận động 18 chị em trong buôn thành lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm Ê đê.
Bà H'Yar Kbuôr (Xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) chia sẻ: "Mình giữ nghề dệt này mục đích tạo công ăn việc làm cho chị em để sinh sống tốt hơn. Thứ 2 là để con cháu sau này trong buôn làng mình sau này được phát triển hơn".
Chính nhờ tình yêu văn hóa dân tộc như chị H'Yar mà đến nay các buôn làng Tây Nguyên còn giữ được nhiều nghề truyền thống. Các sản phẩm từ làng nghề như thổ cẩm, rượu cần, đan lát, gốm … là nguồn di sản văn hóa dồi dào để hình thành nên buôn du lịch cộng đồng.
Anh Nguyễn Phúc Duy (Du khách tỉnh Kiên Giang) cho biết: "Mình đã đến Đắk Lắk được vài lần nhưng những lần trước không có thời gian trải nghiệm. Lần này, mình đi với gia đình nên cảm thấy thú vị và lưu giữ nhiều kỉ niệm để từ đó mình sẽ quay lại Đắk Lắk".
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk) cho rằng: "Việc xây dựng và phát triển thêm các mô hình du lịch cộng đồng tại các thôn buôn của nhiều dân tộc khác nhau để tạo nhiều sản phẩm du lịch văn hoá đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk để tạo nên sự khác biệt với các tỉnh thành trong cả nước".
Mỗi phụ nữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên luôn là nhân tố tích cực giữ gìn, tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó, nhiều nét văn hóa đặc sắc đã được họ tái hiện, lưu truyền cho thế hệ mai sau. Bằng cách này hay cách khác, phụ nữ dân tộc thiểu số đã và đang lưu giữ và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình trong xã hội hiện đại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!