Ngày 6 tháng 9 vừa qua, các nhà khoa học đã đưa ra công bố chính thức trên tạp chí Acta Palaeontologica Polonica rằng hóa thạch của con “thằn lằn có cánh” khai quật tại sa mạc Atacama – Chile được xác định thuộc loài pterosaurs, hay còn gọi là "Dực long". Đây là hóa thạch đầu tiên của loài này được tìm thấy tại phía Nam bán cầu.
Sinh sống trong khoảng 160 triệu năm trước với sải cánh dài tới 2,2 mét và một chiếc đuôi dài, nhọn, pterosaur từng là loài sinh vật đáng gờm trong thế giới kỷ Jura. Tuy nhiên, chi tiết về loài và chi của cá thể này hiện vẫn còn là một ẩn số đang chờ lời giải đáp từ phía các nhà khoa học. Những phỏng đoán ban đầu cho rằng hóa thạch này thuộc phân họ Rhamphorhynchinae.
So với các chi khác thuộc loài pterosaur, kích thước của rhamphorhynchinae được xếp vào hàng dưới mức trung bình một chút. Chúng sở hữu bộ hàm đầy đủ răng, cho khả năng bắt cá và các loài động vật có vú sống dưới biển khác một cách hiệu quả và thuận tiện. Jonatan Alarcon – một nhà khoa học thuộc Đại học Chile cho biết: “Đây là một phát hiện thật thú vị. Chúng tôi là những người đầu tiên nhận ra sự tồn tại của rhamphorhynchinae ở phía Nam bán cầu”.
Làm cách nào hóa thạch của một rhamphorhynchinae lại được tìm thấy tại địa hình sa mạc khô cằn bậc nhất trên Trái Đất vẫn còn là một ẩn số chờ giải mã. Được biết, trong thời kỳ tồn tại của loài này, phần lớn diện tích đất liền ở phía Nam bán cầu đều trực thuộc siêu lục địa Gondwana. Con rồng bay được công bố mới đây có thể đã bị trôi dạt từ siêu lục địa Laurasia ở phía Bắc tới Gondwana và men theo đường bờ biển để không cách quá xa khỏi nguồn thức ăn của nó.
Nhiệm vụ trước mắt của các nhà khoa học bây giờ là cẩn thận phân tách những phần cuối cùng của hóa thạch ra khỏi tảng đá đã lưu giữ nó hàng trăm triệu năm qua và tiến hành nhiều phép so sánh để tìm ra nguồn gốc, phân họ thật sự của con “rồng bay” đặc biệt này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!