Theo số liệu của Hiệp hội Bảo tồn đại dương, Việt Nam là nước nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu trên thế giới về xả đồ nhựa phế thải vào đại dương. Trong số các rác thải nhựa, ống hút nhựa sử dụng 1 lần đang trở thành một thảm họa môi trường tại Việt Nam và trên thế giới. Trong thời gian qua, sáng kiến làm ống hút từ cỏ bàng dại của Trần Minh Tiến, một giáo viên công nghệ bỏ nghề về quê nhà ở tỉnh Long An, đã mang tới một giải pháp thật sự cho vấn nạn ống hút nhựa 1 lần.
Từ sáng sớm, anh Tiến đã cùng bà con ra đồng để thu hoạch cỏ bàng. Trước đây, người dân có thói quen cắt rồi đốt những gốc cỏ. Điều này đã gây ra những tác hại cho hệ sinh thái xung quanh. Hiện nay, anh Tiến đã thực hiện theo một phương pháp khác, đó là nhổ cỏ bằng tay, một cách thu hoạch cổ xưa của người dân Khmer.
Để cỏ bàng tự nhiên có thể trở thành ống hút, quá trình sản xuất trải qua nhiều công đoạn như: dùng tro để rửa sạch phèn chua, cắt theo kích thước, thông ống cỏ, ngâm nước, rửa sạch, khử trùng và đóng gói. Quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt và vấn đề vệ sinh an toàn được đặt lên hàng đầu. Có 2 loại là ống hút cỏ tươi và ống hút cỏ khô.
Ống hút cỏ bàng chỉ cần 30 ngày là có thể tiêu hủy so với 500 năm của ống hút nhựa. Chỉ sau 1 năm, hơn 1 triệu ống hút cỏ bàng đã được bán ra, điều này cho thấy người dân đã và đang dành sự quan tâm đặc biệt cho những vật dụng an toàn đối với sức khỏe và môi trường. Những ống hút này đã mang tới giải pháp 3T cho môi trường, đó là tiết giảm - tái sử dụng - tái chế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!