Trong đồng bào dân tộc thiểu số, tảo hôn đã trở thành vấn nạn. Từ 3 năm nay, khi ban chỉ đạo phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết được thành lập, xã Lũng Pù đã ghi nhận những kết quả đáng kể. Giai đoạn năm 2017 - 2018, cả xã có trên dưới 15 vụ tảo hôn, nhưng nay không có trường hợp nào mới. Chỉ cần gia đình nào có biểu hiện tảo hôn, địa phương sẽ ngay lập tức ngăn chặn.
Sùng Thị Mây cũng là một trong những trường hợp được hỗ trợ kịp thời để tránh rơi vào cảnh tảo hôn. Cách đây vài tháng, khi mới 16 tuổi, em đã về sống ở nhà bạn trai tại xã khác. Nắm được tình hình, cán bộ địa phương đã đến từng nhà để vận động, khuyên nhủ, thậm chí xuống tận nơi để đón em về.
"Năm ngoái em định lấy chồng nên mọi người khuyên em về em tiếp tục đi học. Em muốn đi học kiếm tiền, chờ một thời gian nữa em mới lấy", em Sùng Thị Mây, xã Lũng Pù, Mèo Vạc, Hà Giang cho biết.
Chia sẻ về trường hợp của Sùng Thị Mây, ông Trần Đình Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Pù, Mèo Vạc, Hà Giang nói: "Bản thân gia đình cũng không có phương tiện đi lại nên xã đã phải chủ động đưa cán bộ xuống tận nơi để tuyên truyền vận động và đón em ấy về với gia đình, trên cơ sở là sự đồng thuận thống nhất của gia đình và chính bản thân em".
Từ hệ thống loa truyền thanh, đến sinh hoạt định kỳ hàng tháng, những nội dung về tảo hôn và hôn nhân cận huyết liên tục được tuyên truyền tới từng thôn bản và mỗi gia đình. Tại trường học, các em học sinh cũng được cùng nhau thảo luận thẳng thắn về vấn đề này.
"Bao giờ, chúng tôi cũng lấy những hình ảnh thực tế để các em có thể hiểu và thấy rằng nó gần gũi với mình. Nhận thức của các em đã thay đổi rất là nhiều. Các em đã mạnh dạn, tự tin hơn, có vấn đề gì khó giải quyết thì tìm đến tôi hoặc là phòng tham vấn của trường", cô giáo Trần Thị Bảo Yến - Trường THCS Lũng Pù, Mèo Vạc, Hà Giang chia sẻ về quá trình thay đổi nhận thức của các bé gái người dân tộc thiểu số về tảo hôn. Với những thay đổi về suy nghĩ, những bé gái này sẽ tiếp tục được đến trường, sống hạnh phúc bên gia đình.
Mảnh đất Hà Giang nói riêng và các tỉnh vùng cao nói chung với thiên nhiên hùng vĩ và bản sắc văn hóa lâu đời luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, giữ gìn những phong tục nhân văn, chắc chắn không chỉ mang đến hình ảnh đẹp cho đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn giúp đời sống của người dân cải thiện, hướng tới phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!