Nỗ lực giữ gìn văn hóa chợ nổi

Anh Đào, Khôi Nguyên-Thứ hai, ngày 12/08/2024 09:05 GMT+7

VTV.vn - Chợ nổi không đơn thuần là một phương thức kinh doanh, mà còn là nét văn hoá rất riêng của miền sông nước.

Tuy nhiên, theo thời gian, khi việc giao thương bằng đường bộ phát triển, chợ nổi dần mai một dần. Nhiều chợ nổi của hiện tại, tàu ghe thưa dần.

Nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu tìm cách giữ chợ nổi, qua đó cố giữ cái hồn của sông nước miền Tây. Bởi chợ mai một không chỉ sẽ mất đi một phần ký ức của người dân vùng sông nước mà còn mất đi sức hút của một sản phẩm du lịch từ lâu đã thành thương hiệu.

Tại chợ nổi Cái Răng, TP. Cần Thơ, từ tờ mờ sáng, chợ bắt đầu họp. Người mua ít, người bán cũng giảm nhiều. Nỗi niềm của những thương hồ, mấy chục năm gắn bó với chợ nổi, như bà Thà có thể thấy rõ.

Nỗ lực giữ gìn văn hóa chợ nổi - Ảnh 1.

Bà Võ Thị Thà - thương hồ chợ nổi Cái Răng, TP. Cần Thơ - cho biết: "Hồi xưa bán được 10 thì giờ cũng còn ít à… Bây giờ người ta nghỉ nhiều lắm rồi. Cũng như hồi đó ra đầu rẫy, hai ba chục chiếc lận, mà giờ còn 4 chiếc. Nghỉ hết, người ta nghỉ lên làm vườn, còn mình không có vườn thì mình ngồi mình bán hoài vậy. Ghe mua nghỉ nhiều mà ghe bán cũng nghỉ nhiều nữa".

Chợ nổi thưa dần, đó là thực tế. Chỉ tính riêng tại chợ nổi Cái Răng, đến năm 2023, chỉ còn khoảng 200 ghe tàu hoạt động. Với tốc độ mỗi năm mất vài chục ghe, nhiều người không khỏi lo lắng "chợ nổi sắp chìm".

Từ năm 2016, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, TP. Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp, với mong muốn bảo tồn chợ nổi này như: cho bà con thương hồ vay vốn, tổ chức thu gom rác trên sông bảo vệ môi trường, hỗ trợ nước sạch và trợ giá cho người bán hàng...

Nỗ lực giữ gìn văn hóa chợ nổi - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương - nhà nghiên cứu di sản - cho rằng: "UNESCO đã khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Sẽ không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng. Cho nên thách thức đầu tiên đối với một di sản chính là cộng đồng. Đối với chợ nổi thì cộng đồng trung tâm chính là thương hồ. Xác lập được đối tượng chính này, ta lại phải tính đến các khía cạnh như thực hành, trao truyền, phát huy...".

Các chuyên gia kinh tế tại ĐBSCL, giờ đây cũng đã nhắc nhiều về việc lấy thương hồ làm chủ thể như một cách để giữ cho chợ nổi không mất đi.

TS. Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định: "Việc gắn với du lịch là cần thiết. Chính du lịch là giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của chợ nổi. Do đó, rất cần một trung tâm quản lý hay dịch vụ du lịch ở chợ nổi để điều phối các hoạt động và phục vụ khách du lịch.

Nhiều ý kiến còn đề xuất dùng nguồn thu từ dịch vụ du lịch để tái đầu tư cho cơ sở vật chất tại chợ nổi. Ngoài ra, cần phải trang bị cho bà con cách làm du lịch chuyên nghiệp. Trước mắt, ổn định được sinh kế cho thương hồ, sau đó mới tính tiếp các phương án khôi phục, phát huy những câu hò điệu hát, đờn ca tài tử, tập quán ứng xử trên sông nước - những nét đẹp làm nên giá trị di sản".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước