Ảnh minh hoạ
Giáo sư Bác sĩ Trần Thị Phương Mai cho biết: “Khi thai nhi phát triển, sẽ lấy canxi từ mẹ nên mẹ bị thiếu canxi dẫn tới sâu răng. Ngoài ra phụ nữ mang thai hay bị chảy máu chân răng, do lợi bị phì đại, mao mạch vỡ gây chảy máu”.
Dân gian có câu ví “Thứ nhất đau mắt thứ nhì nhức răng” - Đau răng khiến người bệnh cực kỳ khó chịu. Với những phụ nữ mang thai thì lại càng khổ sở hơn. Có những chị em không thể ăn uống được, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cả người mẹ và thai nhi.
Giáo sư Bác sĩ Trần Thị Phương Mai nói: “Khi mang thai bao giờ cũng phải bồi phụ sắt, vi chất, canxi. Một ngày ít ra phải bồi phụ 1.500mg canxi. Canxi lấy từ chế độ ăn như ăn tôm cua cá, xương hầm. Thứ 2 là bằng thuốc”.
Những vấn đề về răng miệng khi mang thai sẽ tự động biến mất sau khi sinh. Nhưng nếu cứ để tự nhiên, cộng thêm với vấn đề vệ sinh răng miệng không tốt sẽ ảnh hưởng nhiều đến hàm răng của chị em sau khi sinh.
Trong thời kỳ mang:
- Trong thời kỳ mang thai lợi dễ bị viêm và chảy máu, làm nhiều người sợ không đánh răng, nhưng như thế sẽ làm cho tình trạng này trầm trọng hơn. Để chăm sóc răng miệng, bạn có thể dùng một miếng băng gạc có kem đánh răng để lau sạch răng và súc miệng lại bằng nước sạch.
- Nên dùng chỉ nha tơ để làm sạch các kẽ răng thay cho dùng tăm.
- Nên ăn những chế phẩm có chứa ít đường để tránh sâu răng. Thay vào đó ăn vị ngọt từ trái cây tươi, nên uống nhiều sữa, ăn ít muối, vừa phải chất béo.
- Không tự ý dùng thuốc, nhất là không nên sử dụng tetracyclin, vì thuốc này sẽ làm cho răng con bạn sau này có màu nâu hoặc đen.
Sau khi sinh:
- Không nên ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh vì răng còn yếu. Cần phải uống sữa thường xuyên và ăn nhiều rau xanh, trái cây để bổ sung canxi.
- Để giữ vệ sinh cho trẻ, người lớn không nên hôn vào miệng trẻ và không nên mớm thức ăn cho bé.
- Nên đi khám răng miệng định kỳ 6 tháng lần để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh mắc phải.