Tìm hiểu về bảo tồn qua tiêu bản của các loài động vật hoang dã. (Ảnh: VQG Cát Tiên)
Thời gian gần đây, nhiều thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu và sự suy giảm nhanh chóng của các loài động vật hoang dã tiếp tục là vấn đề mà cả thế giới đang quan tâm. Mới đây đầu tháng 10, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết, hoạt động của con người đã và đang gây ra "sự mất mát thảm khốc" cho các loài động vật trên Trái đất. Số lượng động vật hoang dã toàn cầu giảm 73% trong 50 năm qua. Điều này sẽ phá vỡ cấu trúc tự nhiên của hệ sinh thái, không chỉ khiến thực vật diệt vong theo mà còn dẫn đến thu hẹp nguồn đất sống, nguồn nước, dưỡng khí,… đe dọa toàn bộ sự tồn tại của nhân loại trên hành tinh.
Nhiều loài linh trưởng quý hiếm, nguy cấp đang được bảo tồn ở Việt Nam. (Ảnh: Lê Khắc Quyết).
Để nâng cao nhận thức về môi trường và động vật hoang dã, Bảo tàng Thiên nhiên ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai) đã liên tục được đầu tư về hình thức lẫn nội dung nhằm truyền tải thông điệp tới du khách một cách hiệu quả. Mỗi tiêu bản đều mang câu chuyện riêng của từng loài – "nói lên những điều mà động vật không thể nói."
Ông Nguyễn Thế Việt - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật cho biết: "Sau nhiều năm đầu tư và cải thiện dần dần, chỉ riêng cơ sở hạ tầng của bảo tàng đã lên đến 3 tỷ đồng, còn giá trị về mẫu vật thì vô giá. Bảo tàng hiện có hơn 1000 tiêu bản, ở đa dạng các loài: thú, côn trùng, chim, ốc, bò sát, hạt, thực vật,…Mục đích của bảo tàng là lưu lại những mẫu vật của thiên nhiên trong VQG Cát Tiên, giúp học sinh, sinh viên, người nghiên cứu có một nơi sinh động để tìm hiểu về thế giới sinh vật cũng như công tác bảo tồn."
Giáo dục môi trường cho học sinh qua những trải nghiệm thực tế. (Ảnh: VQG Cát Tiên)
Điểm nhấn của bảo tàng là tiêu bản của cá thể tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam đã bị chết từ năm 2010. Mẫu vật minh chứng cho vấn nạn động vật hoang dã đã và đang dần bị mất môi trường sống, bị săn bắt đến mức phải tuyệt chủng. Loài tê giác đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam, nhưng đất nước chúng ta vẫn còn rất nhiều loài động vật hoang dã khác đang bị đe dọa. Sự sinh tồn của chúng cần sự giúp đỡ của con người.
Bộ xương của cá thể tê giác Java (một sừng) chấm dứt sự hiện diện của loài thú đặc biệt quý hiếm này ở Việt Nam.
Anh Nguyễn Văn Khánh, Chuyên viên Bảo tàng Thiên nhiên (VQG Cát Tiên) là người có nhiều trăn trở khi trực tiếp tham gia vào quá trình thu thập mẫu cũng như phát triển bảo tàng. Anh Khánh chia sẻ: "Chúng tôi bảo toàn lưu giữ các bộ phận của động vật như xương, da như một đại sứ để nói lên vấn đề nguy cấp của loài. Chẳng hạn như con cá sấu này gắn với câu chuyện phục hồi loài cá sấu xiêm ở Việt Nam. Từng có giai đoạn không thấy chúng ngoài tự nhiên nữa. Nhưng sau khi có dự án gây giống, đến nay khu vực Bàu Sấu đã có đến 500 cá thể sau 20 năm nỗ lực bảo tồn. Điều đó cho thấy, nếu chúng ta thực sự quan tâm và hành động thì có thể cứu các loài động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng."
Xác của con cá sấu xiêm từng được cứu hộ ở VQG Cát Tiên.
Anh Nguyễn Văn Khánh tâm huyết với công việc phát triển bảo tàng.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các tiêu bản động vật ngày nay đã sống động, có hồn hơn so với các mẫu trước đây. Tuy nhiên, vấn đề bảo quản tiêu bản cũng gặp nhiều khó khăn và tốn kém bởi các thực thể đều là hữu cơ nên sẽ bị phân hủy theo thời gian. Hiện nay, mỗi năm Bảo tàng Thiên nhiên ở VQG Cát Tiên đón từ 9.000 – 15.000 lượt khách. Nguồn kinh phí từ du lịch sẽ được dùng để tái đầu tư cho công tác bảo tồn. Ban quản lý bảo tàng cũng hy vọng sẽ dần cải thiện được chất lượng dịch vụ hướng dẫn viên và xây dựng không gian trưng bày riêng cho từng loài. Từ đó công tác giáo dục môi trường sẽ thu hút và hiệu quả hơn.
Một phòng trưng bày ở bảo tàng.
Các tiêu bản động vật hoang dã sống động với chi phí sản xuất lên tới hàng chục triệu đồng.(Ảnh: VQG Cát Tiên)
Bảo tàng thiên nhiên - điểm đến lý tưởng để tìm hiểu về thế giới tự nhiên. (Ảnh: VQG Cát Tiên)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!