Nghề làm tranh kính đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết, tạo ra những sản phẩm rực rỡ sắc màu và được dùng để trang trí trong nhiều gia đình.
Tranh kính hiện nay chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các dòng tranh hiện đại và các vật dụng trang trí. Cũng giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề này ngày càng mai một. Thế nhưng, vẫn có những người vẫn luôn nặng lòng, và mong muốn lưu giữ hồn quê.
Những người làm tranh kiếng lâu năm như ông Lê Thanh Hòa cũng không nhớ chính xác nghề làm tranh kiếng tồn tại ở chợ Bà Vệ, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, An Giang tồn tại từ năm nào, chỉ biết rằng thời kỳ vàng son nhất của làng nghề là vào những năm chín mươi, khi đó cả làng nghề có hàng trăm hộ làm tranh kiếng.
Tranh kính hiện nay chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các dòng tranh hiện đại.
Bồi hồi nhớ lại, ông Nguyễn Thanh Hòa - Chủ cơ sở tranh kính Thanh Hòa, xã Long Điền B, Chợ Mới, An Giang kể: "Đó là lúc nhà nhà làm tranh kiếng, cả già trẻ, gái trai. Ai cũng có những công đoạn để làm".
Điều độc đáo nhất của tranh kiếng là vẽ ngược. Những người thợ hay nói vui rằng, nghề này "đi sau về trước", có nghĩa là chi tiết nào sau cùng, thì được vẽ đầu tiên. Mặc dù từng được khách hàng ưa chuộng, nhưng tranh kiếng vẫn chịu sự cạnh tranh của các dòng tranh khác. Vì vậy, người thích nghề thì nhiều, nhưng giữ được nghề trong mấy chục năm thì chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Ngày nay, tranh kiếng được sử dụng các công nghệ mới: phun, kéo lụa, màu sắc sinh động, số lượng làm ra nhiều, giá thành rẻ hơn trước, nhằm đáp ứng với nhu cầu thị hiếu của khách hàng tại Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông, và sang Campuchia.
Và, đâu đó ở miền Tây, vẫn còn những người ngày ngày mang nét văn hóa độc đáo của xứ mình đến với mọi người, mọi nhà... Đó, cũng là cách để người ta lưu giữ hồn quê.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!