Mỗi bông hoa đều chứa đựng tình yêu dành cho nghệ thuật làm hoa giấy đã tồn tại hơn 300 năm ở làng nghề Thanh Tiên, Cố đô Huế. Nắm bắt xu hướng bền vững, những sản phẩm hoa giấy hiện nay còn đặt ra tiêu chí "xanh" trong cách lựa chọn nguyên liệu.
Cho giấy nở hoa
Nghề làm hoa giấy thủ công truyền thống ở làng Thanh Tiên gắn chặt với tín ngưỡng dân gian thờ cúng ông Công, ông Táo. Hàng năm, khoảng từ tháng 10 Âm lịch là vào vụ hoa giấy của người dân nơi đây. Tận dụng những nguyên liệu sẵn có, người làng Thanh Tiên làm ra sản phẩm hoa giấy mô phỏng những loài hoa quen thuộc trên quê hương như: hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa tường vi... và sau này là hoa sen.
Làng Thanh Tiên có những bí quyết làm hoa giấy rất chất lượng và cổ xưa, tất cả các công đoạn sản xuất đều được làm bằng tay. Để làm được cành hoa, người thợ chọn những cây tre tốt đem chẻ nhỏ, vót mỏng rồi phơi khô làm cuống hoa. Để tạo ra nhiều sắc màu cho hoa, các nghệ nhân dùng nhựa cây và lá cây để chế tạo thuốc nhuộm cho giấy nguyên liệu. Phương pháp này an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường.
Hoa giấy Thanh Tiên không chỉ đơn thuần là một nét đẹp nghệ thuật mà còn in đậm triết lý Nho học. Một cành hoa giấy truyền thống bao gồm 3 bông hoa lớn ở chính giữa tượng trưng cho Tam cương (quân - thân - sư) và 5 bông hoa nhỏ xung quanh tượng trưng cho Ngũ thường (nhân - lễ - nghĩa - trí - tín). Nghệ nhân Trần Phú, người đã có thâm niên hơn 45 năm làm nghề hoa giấy cho biết, dù đã có nhiều thay đổi để bắt kịp xu hướng hiện đại và thu hút du khách nhưng với đặc thù công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì nhưng thu nhập lại không ổn định nên thế hệ con cháu không mấy mặn mà với nghề làm hoa giấy.
Nghệ nhân Trần Phú người làm hoa giấy lâu năm ở làng Thanh Tiên
Nguyên liệu bền vững là chìa khóa cho sự sáng tạo
Câu chuyện về bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống vẫn đang là một thách thức trong xã hội hiện đại ngày nay. Đối với hoa giấy Thanh Thiên thì sự xuất hiện của chị Phan Ngọc Hiếu có thể coi là bước ngoặt để tiếp thêm sức sống mới cho một sản phẩm truyền thống.
Sinh ra và lớn lên ở Huế, lại rất yêu hoa nên từ nhỏ Ngọc Hiếu đã rất thích nhìn những nghệ nhân đơm hoa trên giấy ở làng Thanh Tiên. "Có một thực tế là khi mình về làng hoa giấy để mua các sản phẩm về trưng trong mỗi dịp Lễ, Tết thì thấy giá thành rất thấp, trong khi nghệ nhân mất nhiều công sức để làm ra sản phẩm. Điều này khiến những người trẻ cảm thấy khó theo đuổi với ngành nghề thủ công".
Hoa giấy của Maypaperflower
Maypaperflower được Ngọc Hiếu thành lập chính thức từ năm 2021 với một căn phòng nhỏ 4m2, chỉ có 2 thành viên. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm của Maypaperflower đã xuất khẩu chính ngạch đến 5 nước: Mỹ, Hàn Quốc, Anh, Australia và Italy. Dù đây mới chỉ mới là những đơn hàng đầu tiên nhưng là một dấu ấn trong hành trình nỗ lực đưa sản phẩm Việt vươn ra quốc tế, góp phần minh chứng rằng tài năng và giá trị của người Việt Nam nói chung và Huế nói riêng được công nhận.
Chị Ngọc Hiếu người sáng lập Maypaperflower
Kế thừa sản phẩm hoa giấy truyền thống, Maypaperflower đã có những thay đổi trong thiết kế nhằm khơi nguồn sáng tạo và cho ra đời những sản phẩm phù hợp với thế giới đương đại. "Chúng tôi luôn đặt tính bền vững trong hoạt động sản xuất và kinh doanh với mục tiêu có những tác động xã hội tới môi trường và con người. Trong đó, việc chọn nguyên liệu là chìa khóa của sự sáng tạo, chúng tôi chọn giấy làm hoa có chứng chỉ FSC khai thác từ rừng trồng bền vững và những nguyên liệu hướng tới sự phát triển xanh, giảm thiểu rác thải ra môi trường" - chị Hiếu cho biết.
Hoa sen giấy dưới bàn tay của những nghệ nhân Maypaperflower
Mỗi chi tiết được làm thủ công từ giấy, là sự đúc kết của quá trình rèn luyện và đam mê. Đôi bàn tay của nữ nghệ nhân làm hoa xứ Huế đang ngày ngày lan tỏa tình yêu với nghề thủ công truyền thống và cả niềm tự hào dân tộc. Trân trọng và lưu giữ những giá trị cũ, kết hợp cùng nghệ thuật đương đại và xu hướng thẩm mỹ hiện đại là một hướng đi ý nghĩa với mong muốn khôi phục lại một nghề truyền thống tưởng chừng đang dần mai một.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục kể câu chuyện quê hương với bạn bè thế giới bằng chính sản phẩm của mình. Dù chặng đường phía trước còn rất nhiều gian nan nhưng nếu không thử thì chúng ta không thể biết giới hạn của mình tới đâu" - Ngọc Hiếu quả quyết.
Trúc chỉ - Tinh hoa giấy Việt VTV.vn - Nhắc đến giá trị văn hóa nghệ thuật mới của Huế, nhiều người nghĩ đến sự hiện diện của nghệ thuật Trúc chỉ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!