Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt.
Gốm Bát Tràng: Làng cổ 500 năm tuổi
Bát Tràng là làng cổ 500 năm tuổi nức tiếng với nghề làm gốm thủ công. Điểm đặc biệt làm nên giá trị của gốm Bát Tràng chính là quy trình sản xuất thủ công tinh xảo. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện tay nghề điêu luyện của người thợ gốm qua từng nét chạm trổ, từng lớp men phủ bóng. Các họa tiết truyền thống như rồng, phượng, câu đối, hoa văn… không chỉ phản ánh đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt mà còn mang ý nghĩa phong thủy sâu sắc.
Các sản phẩm gốm Bát Tràng.
Bát Tràng gìn giữ vẻ đẹp hoài cổ, xưa cũ và không vội vã chạy theo nhịp sống đô thị tấp nập, nhưng không dừng chân ở những gì “đã cũ” của thời đại. Để tiếp cận rộng rãi và chinh phục thị trường ngày càng khó tính, những nghệ nhân đã không ngừng tìm tòi, đổi mới, ứng dụng sự mới mẻ và hiện đại trong từng khâu sản xuất cho tới cách quảng bá sản phẩm, đây cũng là lý do nghề gốm Bát Tràng không bị mai một và ngày càng có chỗ đứng trên thị trường cả trong nước lẫn quốc tế trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc.
Những năm gần đây, Bát Tràng không chỉ chú trọng giao thương buôn bán, tạo ra các sản phẩm gốm thủ công chất lượng cao, mà còn đẩy mạnh du lịch gắn với văn hóa địa phương, trở thành điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Trong đó, trung tâm tinh hoa làng nghề Việt hay còn được biết đến với tên gọi Bảo tàng Gốm Bát Tràng là một trong những công trình kiến trúc được đầu tư xây dựng để trở thành nơi bảo tồn và giới thiệu, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc.
Du khách trải nghiệm vẽ gốm.
Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết: “Việc gia nhập Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo không chỉ giúp chúng tôi quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn tạo điều kiện để giao lưu, triển lãm và giới thiệu gốm Bát Tràng với bạn bè quốc tế. Đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, để mỗi người Việt thêm tự hào về di sản quê hương”.
Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt.
Làng Vạn Phúc: Giao thoa giữa truyền thống và hiện đại
“Vạn Phúc có cội cây đề
Có sông uốn khúc, có nghề quay tơ.”
Với lịch sử tồn tại hơn 1000 năm, làng nghề Vạn Phúc đã được công nhận là “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã trao tặng. Nơi đây vẫn mang dáng dấp “cây đa - bến nước - sân đình” của một làng quê Bắc Bộ truyền thống. Nằm giữa Thủ đô Hà Nội rộng lớn, làng Vạn Phúc như một mỏm đất bình yên, cổ kính, tách bạch với phố thị ngoài kia.
Phố lụa Vạn Phúc được trang trí bởi những chiếc ô sắc màu.
Trong những ngôi nhà gỗ với lối kiến trúc xưa, từng sản phẩm lụa được bày bán. Đó là thành quả của rất nhiều công sức và sự đổi thay. Khác với ngày xưa, vải lụa chỉ có một màu thì bây giờ đã có thêm nhiều họa tiết khác nhau như: mây bay, long phượng, đũi hoa, vân thọ đỉnh, tứ quế… Các chi tiết này không chỉ có tính thẩm mỹ cao mà còn kể về những câu chuyện văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.
Trước sự phát triển không ngừng của xã hội, khi người ta nghĩ rằng những gì thuộc về truyền thống có thể bị phai mờ hoặc thay thế thì lụa Vạn Phúc vẫn tồn tại. Đứng trước nhiều thách thức của thời đại, mỗi nghệ nhân của làng vẫn luôn đau đáu với chuyện giữ nghề. Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan chia sẻ: “Để đáp ứng thị hiếu đa dạng của khách hàng, tôi đã nghiên cứu và sáng tạo những dòng sản phẩm lụa Vạn Phúc theo phong cách trẻ trung, phối màu hài hòa, bắt mắt. Các hoa văn, họa tiết cũng được cách điệu mới lạ, lấy cảm hứng từ những biểu tượng đặc trưng của Việt Nam như trống đồng, Văn Miếu,… được khách hàng quốc tế yêu thích. Đồng thời, chúng tôi còn mở rộng danh mục sản phẩm, mang đến nhiều lựa chọn làm quà tặng như: khăn, áo dài, cà vạt, túi xách, quần áo các loại…”. Có lẽ, chính sự đổi mới từ tư duy đến hành động của các nghệ nhân đã giúp Vạn Phúc đứng vững giữa dòng chảy biến động của thời đại.
Những khung cửi dệt giấc mơ toàn cầu.
Các nghệ nhân đang thêu vải. (Ảnh: Hoàng Linh)
Nhiều mẫu áo dài may mắn để du khách dễ dàng mặc thử và mua về.
Lần đầu tiên đến Vạn Phúc, cầm trên tay từng mảnh vải dệt thủ công, tôi cảm nhận được sự kỳ công của từng người thợ đã làm ra nó. Hoa văn sang trọng, nét nổi nét chìm, nét thanh nét mảnh. Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại trong sản phẩm lụa đã thu hút nhiều người quan tâm và ưa chuộng sử dụng, trong đó có giới trẻ. Lụa Vạn Phúc đã được nhiều bạn trẻ dùng để may váy và áo dài.
Nhiều bạn trẻ yêu thích tà áo dài lụa truyền thống.
Trong bối cảnh mới, làng lụa Vạn Phúc còn tập trung phát triển du lịch văn hóa. Đây là sự sáng tạo trước những thách thức mà xã hội đặt ra với làng nghề truyền thống. Hiện nay, phường Vạn Phúc đã phát triển các tuyến phố Lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ nhằm phục vụ du khách, bao gồm khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, cùng với các dịch vụ lưu trú và mua sắm đa dạng, tuyến đường ô màu sắc, tuyến đường chong chóng rực rỡ...
Mùa hè sẽ là thời điểm làng Vạn Phúc đông khách nhất.
Việc gia nhập Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo của UNESCO đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển của làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc, mở ra cơ hội kết nối sâu rộng với các làng nghề và thành phố thủ công trên thế giới, thúc đẩy giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, thiết kế, sáng tạo. Đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân học hỏi, tiếp thu những xu hướng mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất sản phẩm truyền thống.
Nhiều làng nghề đã mất hẳn trước quy luật cạnh tranh của thị trường, nhưng Bát Tràng, Vạn Phúc thì vẫn còn ở đó. Chính sự linh hoạt trong việc thích ứng với thời cuộc, kết hợp giữa bảo tồn và sáng tạo đã giúp Bát Tràng, Vạn Phúc giữ được vị thế của mình trong dòng chảy hội nhập và phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!