Nậm pịa
Do có mùi khá nồng nên không phải du khách nào cũng dám thử món ăn độc đáo này
Nậm pịa là một món ăn riêng chỉ có tại Tây Bắc do chính đồng bào người Thái sáng tạo và gìn giữ tới tận ngày nay.
Nguyên liệu làm món nậm pịa gồm tiết bò hoặc tiết dê để đông, đuôi, dạ dày, cuống tim và không thể thiếu một thứ nước sền sệt từ bên trong ruột non của con bò gọi là "pịa". Người ta ninh xương và lục phủ ngũ tạng lên để lấy nước, sau đó họ đổ pịa vào, có nơi còn cho thêm chút mật bò. Tất cả các nguyên liệu được băm nhỏ, trộn kèm rau thơm, bột mắc khén, tỏi, ớt, mùi tàu… rồi đun sôi lên đến khi sánh, sền sệt lại là được.
Khi chế biến xong, nậm pịa thường có màu nâu không bắt mắt, mùi khó chịu và vị đắng. Không phải du khách nào cũng dám thử món ăn độc đáo này. Nhưng khi đã nếm đôi ba miếng, bỏ qua những cảm nhận ban đầu về mùi và vị thì những miếng tiếp theo ta sẽ cảm nhận được mùi thơm của mắc khén, vị ngọt của thịt, xương và vị đắng của pịa. Ai ăn được nậm pịa sẽ rất thích vì vị đắng dịu nơi cuống lưỡi. Món nậm pịa thường ăn kèm với rau chuối và bạc hà.
Đặc sản thịt thối Sơn La
Món thịt thối được xem là đặc sản của người Khơ Mú (Sơn La)
Món ăn này còn được gọi là Kính Coong đặc sản chỉ có ở người Khơ Mú (Sơn La). Hiểu theo tiếng Khơ Mú, "Coong" có nghĩa là tổng hợp của hầu hết các loại rau củ quả, ớt, hành tỏi, cà rừng, mắc khén... nấu với thịt thối. "Kính" có nghĩa là một loại canh thập cẩm. Nôm na, Kính Coong có nghĩa là canh thịt thối.
Để có được nguyên liệu đặc biệt này, người Khơ Mú treo thịt lên gác bếp hàng tuần, hàng ngày vẩy nước để tạo độ ẩm, thu hút ruồi nhặng bay đến làm tổ, mang theo cả vi sinh vật. Họ sử dụng những phần thịt dễ bị thối nhất, không cần ướp gia vị mà cứ để xuất hiện thứ mùi đặc trưng. Thịt càng thối, càng có nhiều dòi thì món ăn càng ngon.
Mắm tôm
Dù được xem là đặc sản nhưng với nhiều người đặc biệt là du khách nước ngoài, món ăn này lại được xếp vào 1 trong những món ăn kinh dị nhất thế giới
Mắm tôm là thứ đặc sản đất Bắc, có mùi vị vô cùng đặc trưng. Mắm được làm từ tôm hoặc moi và muối ăn, qua quá trình lên men tạo màu tím thẫm và mùi nồng đặc trưng đến nỗi "mùi mắm tôm" trở thành một từ thông dụng trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều người yêu thích mắm tôm nhưng cũng có không ít người chỉ ngửi thấy mùi mắm tôm đã "chạy làng".
Mắm tôm có thể ăn sống là một loại nước chấm, đánh với rượu trắng và cốt chanh để giảm mùi gắt. Mắm cũng có thể dùng với bún, tạo thành món bún đậu mắm tôm ngon nổi tiếng hay gia tăng hương vị cho bún riêu, bún thang.
Bún cua thối
Cua đồng lên men - nguyên liệu không thể thiếu của bún cua thối.
Dù là một đặc sản nổi tiếng của Pleiku, nhưng thực sự đây là món nặng mùi và không dễ ăn với đại đa số người lần đầu tiên nếm thử. Lý do bởi nước lèo của món bún này là nước cua đồng ủ qua một ngày đêm rồi mới mang nấu. Vì đã ủ và lên men nên nước dùng của bún cua thối có màu đen đặc trưng và nặng mùi đến độ cách nồi nước dùng mấy nhà vẫn ngửi thấy mùi.
Một tô bún cua thối đơn giản chỉ là một nắm bún nhỏ, ít măng, chan xâm xấp nước dùng cua, rồi thêm tóp mỡ hành phi, da heo khô. Dọn kèm bún sẽ là rau sống và trứng vịt om trong nồi nước dùng nếu bạn có nhu cầu.
Bún cua thối chính là món ăn gây nhiều tranh cãi, người không chịu được mùi sẽ khó mà ăn được. Nhưng nếu ăn được, bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, cay cay rất riêng. Thậm chí chính thứ nước dùng nặng mùi, đậm đà đó đã gây nghiện cho nhiều người.
Sầu riêng
Nhiều người ví mùi sầu riêng như mùi hành tây thối, nhựa thông hoặc nước cống
Sầu riêng nổi tiếng là một trong những món ăn "nặng mùi" nhất thế giới, nhưng ít ai biết món ăn này có nguồn gốc từ Đông Nam Á và người Việt Nam cũng đặc biệt ưa chuộng loại quả này. Bên cạnh những người nghiện sầu riêng thì không ít người cho rằng múi của loại quả này rất "kinh khủng". Thậm chí, một số còn ví nó như mùi hành tây thối, nhựa thông hoặc nước cống.
Do mùi của sầu riêng ám rất lâu cho nên nó bị cấm mang vào một số khách sạn và phương tiện giao thông công cộng ở Đông Nam Á.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!