Những công trình tôn giáo cổ đại độc đáo

Quỳnh Anh (Tổng hợp)-Thứ sáu, ngày 05/07/2024 06:09 GMT+7

VTV.vn - Dưới đây là một số công trình tôn giáo cổ đại độc đáo nhất ẩn chứa nhiều điều bí ẩn về kiến trúc, phương pháp xây dựng mà khoa học ngày nay không thể lý giải.

Trong lịch sử hàng ngàn năm của nhân loại, có những công trình kiến trúc cổ đại với độ chính xác và nghệ thuật hoàn mỹ. Có những ngôi đền, chùa trên thế giới ẩn chứa nhiều điều bí ẩn về kiến trúc, phương pháp xây dựng mà khoa học ngày nay không thể lý giải. Dưới đây là một số công trình tôn giáo cổ đại độc đáo nhất.

Những công trình tôn giáo cổ đại độc đáo - Ảnh 1.

Borobudur - Ảnh: Indonesiatravel

Borobudur – kỳ quan Phật giáo lớn nhất thế giới

Borobudur là một kỳ quan Phật giáo tinh xảo và lớn nhất thế giới, xây dựng vào thế kỷ thứ VIII tại đảo Java, Indonesia, được UNESCO xếp vào di sản thế giới vào năm 1991. Borobudur trong tiếng Indonesia có nghĩa là "Tháp Phật trên đồi cao". Ngôi đền gồm chín tầng hình tròn và hình vuông, chạm khắc 2672 tấm phù điêu và 504 bức tượng Phật. Trên mái tròn có 72 bức tượng Phật trong các phù đồ.

Những công trình tôn giáo cổ đại độc đáo - Ảnh 2.

Ảnh: Lonely Planet

Borobudur là một kiệt tác của nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo, có hình dạng một bát hoa sen, tượng trưng cho sự thanh tịnh và giác ngộ của Phật. Kiến trúc nơi đây bao gồm chín tầng, mỗi tầng có một ý nghĩa riêng biệt trong quá trình tu luyện của Phật tử. Trong đó, các tầng thấp nhất là Dục giới, nơi có các phù điêu khắc về cuộc sống thế tục và các loại chúng sinh. Các tầng tiếp theo là Sắc giới chứa đựng bức tượng về các bậc thánh nhân và thiên nhân. Tầng cao nhất là Vô sắc giới, nơi có sự tích về tiền thân và cuộc đời của Đức Phật. Trên mái tròn của ngôi đền có 72 bức tượng Phật trong các phù đồ, biểu hiện cho sự hoàn hảo và viên mãn.

Hệ thống biểu tượng của Borobudur mang tính phổ quát trong ý nghĩa và tư tưởng Phật giáo. Nó thể hiện sự viên mãn, tính toàn thể, đa dạng và bất biến. Do vậy, Borodudur được xem là một trong những công trình quan trọng nhất thế giới, không chỉ trên bình diện thẩm mỹ mà còn trên bình diện tư tưởng khi nó biểu tượng cho tinh thần nhân loại trong tính nhất thể và đa dạng.

Mạch Tích sơn – thắng cảnh kỳ lạ

Núi Mạch Tích là một thắng cảnh kỳ lạ, được xếp vào hàng báu vật của thế giới. Đây được coi là trung tâm điêu khắc tượng lớn của các triều đại Trung Quốc. Nơi đây có một bộ sưu tập có giá trị về các tác phẩm điêu khắc Phật giáo bằng đất sét và những bức tranh tường tinh xảo được làm vào năm 384 - 417 sau Công nguyên và hàng nghìn năm sau đó.

Những công trình tôn giáo cổ đại độc đáo - Ảnh 3.

Ảnh: Wikipedia

Hang đá Mạch Tích Sơn cách thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc khoảng 35km về phía Đông Nam và là một trong những ngọn núi thuộc dãy Tần Lĩnh ở phía Tây của núi Xiaolong. Hang đá cách mặt đất gần 142m được đục vào núi có hình dạng giống như đống lúa mì xếp chồng lên nhau nên người ta gọi nó là ngọn núi núi lúa mì. Hiện tại ở đây có 194 hang động Phật giáo, 7.200 tác phẩm điêu khắc chạm khắc bằng đất sét, 1.000m2 tranh tường. Hàng nghìn tác phẩm điêu khắc ở đây có thể cao tới 16 m hoặc chỉ nhỏ chừng 10cm phản ánh đặc điểm điêu khắc trong nhiều thời kỳ và sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc đất sét Trung Quốc trong hơn một nghìn năm qua.

Theo tài liệu cổ để lại, hang đá Mạch Tích Sơn bắt đầu được đào đục vào thời kỳ cuối đời Tần (khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên), sau đó lần lượt tạc tượng Phật trên vách núi cao từ 30 đến 70 m. Các học giả tin rằng, hệ thống hang động này được hình thành và tạo nên từ nhiều triều đại khác nhau.

Đại bảo tháp Sanchi – Di tích ngoạn mục

Ngôi đại tháp Sanchi được xem là một trong những di tích nghệ thuật Phật giáo vĩ đại và lâu đời nhất ở Ấn Độ. Mọc lên từ trong lòng đất, đại bảo tháp Sanchi là một di tích ngoạn mục, chứng minh cho sức mạnh của một tôn giáo thế giới và lòng thành tâm cúng dường của một vị hoàng đế. Tọa lạc tại bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ, Sanchi nằm trên một ngọn đồi vươn lên khỏi vùng đồng bằng ngay phía Bắc cao nguyên Decan, cách Bhopal 40 dặm.

Với lịch sử hình thành và phát triển trong hơn 13 thế kỷ, từ thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ 11, Sanchi trở thành một pho sách cổ miêu tả lịch sử Phật giáo Ấn Độ từ buổi ban sơ, qua thời cực thịnh, đến lúc suy tàn thông qua các kiệt tác nghệ thuật, xứng đáng là viên ngọc quý của nghệ thuật Phật giáo.

Những công trình tôn giáo cổ đại độc đáo - Ảnh 4.

Ảnh: Dolls of India

Bốn cánh cổng lớn được xây dựng ở 4 hướng chính của đại tháp là những công trình tuyệt vời nhất trong sự diễn tả đạo Phật bằng kiến trúc. Những cổng đi vào ngôi đại tháp Sanji rất đặc biệt, chúng được điêu khắc, trạm chổ các hoạt cảnh, hình ảnh diễn tả về cuộc đời Đức Phật và những tiền thân của Phật một cách vô cùng tinh xảo. Các lối vào bảo tháp được xây dựng ở lưng chừng đồi, các Phật tử sẽ theo lối đi này để đi vòng tròn quanh bảo tháp theo chiều kim đồng hồ để tỏ lòng tôn kính xá lợi Phật được thờ ở trung tâm của bảo tháp. Những lối đi này được sử dụng để truyền đạt tư tưởng Phật giáo cho những người mù chữ. Những bức vẽ, nét chạm khắc có thể truyền đạt tốt hơn văn bản. Đó là một trải nghiệm vô cùng quý giá, giúp tăng trưởng lòng tin vào chánh pháp cho bất kỳ ai đến thăm bảo tháp.

Đền Angkor Wat – Kỳ quan thế giới

Angkor Wat ở Campuchia là một quần thể đền đài di tích tôn giáo lớn nhất thế giới với diện tích lên tới 162,6ha, được vua Suryavarman II xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XII. Quần thể này có mục đích ban đầu là đền thờ Ấn Độ giáo của Đế quốc Khmer – thần Vishnu, nhưng sau này do sự du nhập và phát triển mạnh của đạo Phật, Angkor Wat đã chuyển sang thờ Phật giáo. Đền Angkor Wat có 5 tòa tháp liên hoàn nhau bằng 3 tầng kiến trúc. Mỗi tòa tháp được chia làm 3 cấp độ: tầng thứ nhất tượng trưng cho địa ngục hay là đất, tầng thứ hai tượng trưng cho nhân gian và tầng thứ ba tượng trưng cho thần linh.

Những công trình tôn giáo cổ đại độc đáo - Ảnh 5.

Ảnh: Britanica

Toàn bộ kiến trúc Angkor Wat hoàn toàn được tạo nên từ những phiến đá xanh rất lớn, khích thước thông thường là 1x2m ghép lại với nhau, được chạm trổ hoa văn, phù điêu theo tích xưa truyện cổ. Theo ước tính của các Nhà khoa học, cả công trình Angkor Wat này cần tới 5 triệu tấn đá sa thạch, mỗi phiến đá nặng 1,6 tấn một số lượng rất lớn nguyên liệu. theo ghi chép của lịch sử cả quần thể đền này được xây dựng trong vẻn vẹn 35 năm với sức lao động của 300.000 người và 6.000 con voi. Vậy nhưng, với những tính toán có cơ sở của các Nhà khoa học hiện đại thì ở trình độ xây dựng thời bấy giờ cùng lượng lao động như thế, cần mất tới 100 năm mới có thể hoàn thành công trình này.

Gobekli Tepe – Công trình của thời kỳ đồ đá mới

Gobekli Tepe là ngôi đền cổ nhất thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nó có niên đại cách đây khoảng 12.000 năm. Ngôi đền do những người tiền sử sống bằng hình thức săn bắt, hái lượm xây dựng trong thời kỳ đồ đá mới, trước khi chữ viết và bánh xe ra đời.

Những công trình tôn giáo cổ đại độc đáo - Ảnh 6.

Ảnh: SciNews

Gobekli Tepe thực chất là tập hợp các cấu trúc bằng đá. Một cấu trúc đá điển hình trong khu đền thường bao gồm 12 cây cột lớn hình chữ T [tượng trưng cho con người] xếp thành vòng tròn có đường kính 9,1m. Những cây cột này làm từ đá granit rắn, cao tới 6,1m và nặng 20 tấn. Khu đền này được kiến tạo từ những cột đá vôi khắc phù điêu động vật như linh dương, rắn, cáo, bò cạp, lợn rừng, và cả những biểu tượng trừu tượng, đôi khi liên kết thành một cảnh trí. Trên thân các cột trụ có khắc rất nhiều hình thù và mô tả bí ẩn. Các nhà nghiên cứu thế giới đã tuyên bố một loạt các sự kiện có thực trong lịch sử nhân loại đã diễn ra trùng khớp với các hình khắc tiên tri tại Gobekli Tepe. Ước tính, chỉ 5% huyền cơ tại Gobekli Tepe được giải mã trong khi phần bí ẩn còn lại của công trình tiền sử này vẫn mang tính thách thức đối với khoa học hiện đại.

Chùa Kyaiktiyo

Kyaikhtiyo là một ngôi chùa cổ có lịch sử hơn 2.500 năm, tọa lạc trên một hòn đá nằm ở độ cao 1.100m so với mực nước biển ở gần thị trấn Kyaikto, quận Thaton, Myanmar, cách Yangon khoảng 210 km. Chùa Đá vàng tọa lạc trên hòn đá nằm chênh vênh trên sườn núi, có điểm tiếp xúc với vách núi chỉ khoảng 78cm². Nhìn từ xa, ai cũng có cảm giác như hòn đá sắp rơi xuống vực. Tuy nhiên, hòn đá thiêng này vẫn trụ vững hàng nghìn năm qua, phá vỡ mọi nguyên tắc trọng lực.

Những công trình tôn giáo cổ đại độc đáo - Ảnh 7.

Ảnh: Wikipedia

Hiện toàn bộ chùa Kyaiktiyo và tảng đá độc đáo trên đều được người dân Myanmar dát vàng 24k tạo nên kiến trúc tráng lệ, ấn tượng cho công trình. Tuy nhiên để lên được đến đây, bạn phải trải qua một quãng đường di chuyển rất khó khăn dài khoảng 11km từ dưới chân núi, với những cung đường dốc thẳng đứng, ngoằn ngoèo như xoắn ốc.

Kiến trúc độc đáo, sự kỳ lạ của tảng đá chênh vênh nơi vách núi, đặc biệt là không gian Phật giáo linh thiêng đã khiến cho ngôi chùa ngày càng trở nên nổi tiếng, thu hút đông du khách từ khắp mọi nơi. Gắn liền với Hòn Đá Vàng là cả một truyền thuyết thú vị và kỳ bí về việc Đức Phật đến truyền đạo nơi đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước