Những chiến sĩ ở Trường Sa hướng về kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô

Hải Linh-Thứ năm, ngày 10/10/2024 18:31 GMT+7

VTV.vn - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, những người con được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hiện đang công tác nơi đầu sóng Trường Sa không khỏi bồi hồi, xao xuyến.

Những chiến sĩ ở Trường Sa hướng về kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 1.

Các cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở Trường Sa quyết tâm tiếp bước truyền thống anh hùng của cha ông

Trung tá Cấn Ngọc Sơn, Phó chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng, Đảo Trường Sa, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân: "Tôi sinh ra là lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ông nội tôi từng tham gia kháng chiến chống Pháp, bị địch bắt tù đày tại nhà tù Côn Đảo năm 1954, bác trai tôi là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Từ nhỏ, tôi luôn nuôi ước mơ trở thành người chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 2004, tôi quyết tâm và thi đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân 1. Năm 2009, tốt nghiệp ra trường, tôi được về công tác tại Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đến nay".

Những chiến sĩ ở Trường Sa hướng về kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 3.

Trung tá Cấn Ngọc Sơn, Phó chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng, Đảo Trường Sa

"Đi công tác xa quê, mỗi lần nhớ về Hà Nội, tôi luôn tự hào vì quê hương mình là Thủ đô ngàn năm văn hiến. Là người con của Hà Nội, dù công tác ở đảo xa, tôi vẫn luôn biết ơn công lao to lớn của cha ông đã cống hiến xương máu để xây dựng và gìn giữ quê hương, đất nước bình yên như ngày nay. Tiếp bước truyền thống cha anh, dù tôi công tác ở đảo xa hay đất liền, tôi vẫn luôn nỗ lực phấn đấu, không sợ khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Đại úy Nguyễn Mạnh Cường, Phân đội trưởng phân đội 85, đảo Trường Sa, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân: "Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Mỗi lần từ đảo xa về thăm quê hương, tôi vẫn luôn mang theo nỗi nhớ về những nét cổ kính của những công trình, phố cổ đi cùng năm tháng đầy tự hào, oanh hùng như quảng trường Ba Đình, Lăng Bác, Văn Miếu, chùa Một Cột hay ngắm nhìn màu thời gian phủ trên cây cầu thế kỷ Long Biên…".

Những chiến sĩ ở Trường Sa hướng về kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 5.

Đại úy Nguyễn Mạnh Cường, Phân đội trưởng phân đội 85, đảo Trường Sa

"Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ dịp được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn học năm thứ nhất trường Sĩ quan Pháo binh. Theo dòng người tiến vào Lăng, chúng tôi ai cũng xúc động bày tỏ lòng thành kính với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu, bước đi ai cũng nhẹ nhàng, cố gắng không gây ra tiếng động. Sau khi rời Lăng, chúng tôi thăm nhà sàn Bác Hồ, ao cá Bác Hồ và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đó là lần đầu tiên tôi thấy lại một phần cuộc đời hoạt động đầy giản dị, đơn sơ của Bác, trong tôi đến giờ vẫn vẹn nguyên tình cảm xúc động, thiêng liêng mỗi khi nhớ về Lăng Bác, quảng trường Ba Đình lịch sử.

Trong những ngày cả nước hướng về trái tim Thủ đô kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng, từ đảo xa, tôi rất tự hào là người con của Hà Nội. Với thế hệ thanh niên Thủ đô, những năm tháng oanh liệt và sự hy sinh của ông cha bảo vệ Thủ đô vẫn luôn khắc ghi trong tim tôi. Là người cán bộ, đảng viên được sống trong thời đại hòa bình hôm nay, thêm một lần tôi xin hứa sẽ quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ phía biển".

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Mai Tiến Mạnh, Trưởng xuồng CQ, Trung đội Kỹ thuật, đảo Trường Sa, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân: "Quê hương tôi ở Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội. Công tác ở đảo xa, mỗi lần nhớ nhà, tôi lại tự ngân nga câu ca "Hà Nội có cầu Long Biên, vừa dài, vừa rộng bắc trên sông Hồng" với niềm tự hào và nỗi nhớ xao xuyến khó tả. Tôi nhớ những ký ức đẹp của tuổi thơ với những giờ tan trường, cùng bạn bè đi dạo trên cầu ngắm dòng sông Hồng thơ mộng, hay những đêm ngồi trên cầu ngắm trăng cùng tình yêu thuở học trò".

Những chiến sĩ ở Trường Sa hướng về kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 7.

Thiếu tá Mai Tiến Mạnh, Trưởng xuồng CQ, Trung đội Kỹ thuật, đảo Trường Sa

"Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, dù công tác nơi đầu sóng Trường Sa, tôi vẫn luôn ước mong chính quyền và người dân quê mình mãi đoàn kết, chung tay, góp sức đưa Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để mỗi khi người dân Việt Nam có dịp nhắc nhớ, lại thêm một lần được tự hào về một Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, xứng đáng là Thủ đô anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng".

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Huy Hoàng - nhân viên Quân lực, đảo Trường Sa, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân: "Quê tôi ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Công tác ở đảo xa, mỗi lần nhớ về Hà Nội, tôi lại mong thời gian trôi thật nhanh để được về thăm quê. Tôi vẫn nhớ, dịp mùa thu tháng 10, hoa sữa nở trắng trên cây, hương hoa sữa thơm nồng nàn, dịu dàng lan toả khắp ngõ nhỏ, khắp phố phường Hà Nội. Mỗi lần nhớ nhà, nhớ Hà Nội, tôi lại ngân nga câu hát: "Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp. Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về…".

Những chiến sĩ ở Trường Sa hướng về kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 9.

Đại úy Trần Huy Hoàng - nhân viên Quân lực, đảo Trường Sa

"Là công dân Thủ đô đang công tác nơi đảo xa, trên cương vị nào, tôi vẫn luôn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng đồng chí, đồng đội giữ vững chủ quyền từng tấc đảo, sải biển của Tổ quốc, để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.

Từ nơi đầu sóng ngọn gió, tôi mong Thủ đô ngày một giàu đẹp, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính hàng đầu của khu vực, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Bác dạy trước lúc đi xa".

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thái Cường, khẩu đội trưởng, Phân đội 37, đảo Trường Sa, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân: "Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Vạn Kim, Mỹ Đức, Hà Nội. Mặc dù công tác nơi đảo xa, nhưng tâm hồn tôi luôn hướng về Hà Nội, quê hương yêu dấu của tôi.

Cảm xúc sâu lắng nhất là mỗi dịp được tranh thủ về phép thăm quê hương, lần nào cũng để lại trong tôi nỗi nhớ thương đong đầy. Nhất là dịp tháng 7, tôi nhớ đó hình ảnh những bông hoa hải đường với màu đỏ tươi đến nao lòng, sặc sỡ; là mùa cá nhảy với những bữa tiệc cá rộn ràng khắp xóm nhỏ ở quê tôi. Mùa heo may tháng 7 giữa mùa hè nóng oi, bỏng rát, nhưng lại gắn với kỷ niệm vui buồn của tuổi thơ tôi. Mỗi chiều ở đảo xa, tôi lại hình dung về quê nhà với nỗi nhớ thương vụn vặt mà khó phai".

Những chiến sĩ ở Trường Sa hướng về kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 11.

Đại úy Nguyễn Thái Cường, khẩu đội trưởng, Phân đội 37, đảo Trường Sa

"Trong những ngày cả nước hướng về trái tim thủ đô nhân kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng, từ nơi đảo xa, tôi xin gửi nỗi niềm tự hào, nỗi nhớ quê hương để cùng chia sẻ niềm vui hân hoan với người dân Hà Nội. Chúng tôi, dù ở gần hay đi xa vẫn luôn hướng lòng mình về quê nhà, nỗ lực gìn giữ và phát triển quê hương, để mãi xứng đáng là người con của Thủ đô vì hòa bình đầy tự hào, yêu thương".

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Mạnh Tường - Thợ sữa chữa thông tin, Trung đội Thông tin, đảo Trường Sa, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân: "Là một công dân được sinh ra và lớn lên ở xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội, những ngày này, tôi rất xúc động khi được xem trên phương tiện truyền thông về dấu ấn mà các thế hệ người dân Thủ đô đã xây dựng suốt 70 năm qua. Từ một thành phố chịu nhiều tổn thương bởi chiến tranh, giờ đây, Hà Nội quê hương tôi đang phát triển từng ngày, là trung tâm về kinh tế, văn hoá, giáo dục và khoa học, có vị trí hàng đầu của cả nước".

Những chiến sĩ ở Trường Sa hướng về kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 13.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Tường - Thợ sữa chữa thông tin, Trung đội Thông tin, đảo Trường Sa

"Xa quê hương Thủ đô, đến giờ tôi vẫn nhớ câu ca "Ốc tháng mười, người Hà Nội". Đó là những kỷ niệm bình dị khi tôi và bạn bè ngồi quán vỉa hè ăn món ốc luộc chấm nước lá chanh đậm mùi lá sả, trong không khí se lạnh của tháng 10, cảm nhận hương vị quê hương sâu lắng trong cái vị ngọt, giòn, thơm lừng của từng con ốc. Bây giờ công tác nơi đảo xa, tôi vẫn mang theo ký ức hương vị thân quen đó. Rồi lại ước, đến kỳ nghỉ phép được về thăm quê, tôi sẽ lại tự thưởng cho mình và gia đình, bạn bè món ăn dân dã, nhưng đậm đà hương vị yên lành trong suốt tuổi thơ tôi".

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Hà Hồng Phong - Đảo bộ, đảo Sơn Ca, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân: "Quê hương tôi ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Tôi lớn lên ở Hà Nội, học tập và công tác tại đây tính đến nay đã 39 năm. Tôi thực hiện nhiệm vụ tăng cường ra quần đảo Trường Sa công tác từ tháng 4/2024. Đây cũng là lần đầu tiên tôi công tác xa nhà, xa đất liền, nhiều lúc tôi rất nhớ nhà, nhớ Hà Nội với con đường Phan Đình Phùng có 2 hàng cây cổ thụ xanh mát. Nhớ Hồ Gươm uy nghi, cùng phố đi bộ đông đúc vào mỗi cuối tuần, nhớ những con đường xe cộ chật cứng xen lẫn tiếng còi xe mỗi giờ cao điểm, nhớ những con phố cổ với những ngôi nhà cổ kính thân thương…".

Những chiến sĩ ở Trường Sa hướng về kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 15.

Đại úy Hà Hồng Phong - Đảo bộ, đảo Sơn Ca, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân

"Trong những ngày cả nước hướng về trái tim Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng, từ nơi đảo xa, tôi biết miền Bắc vừa qua siêu bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc. Hà Nội là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng và chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Tôi chỉ mong Hà Nội với truyền thống anh hùng của tôi sớm vượt qua khó khăn, trở lại mạnh mẽ hơn, yên bình, luôn xứng đáng là "trái tim" của cả nước".

Trung úy Đỗ Trung Nghĩa, đang công tác tại Đảo Len Đao, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân: "Tôi sinh ra và lớn lên ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Ra đảo công tác xa nhà đã lâu, song mỗi lần thấy tin tức về Hà Nội trên các chương trình truyền hình, thấy Thủ đô của chúng ta thay đổi từng ngày, tôi vẫn không khỏi bồi hồi, xao xuyến. Hà Nội đối với tôi là nơi khiến ai chưa đến thì thấy mong mỏi, đợi chờ. Ai đến rồi thì luyến lưu, chẳng muốn xa rời".

Những chiến sĩ ở Trường Sa hướng về kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô - Ảnh 17.

Trung úy Đỗ Trung Nghĩa (bìa trái), đang công tác tại Đảo Len Đao, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cùng đồng đội trong một lần mẹ của Trung úy Nghĩa ra thăm Trường Sa và con trai

"Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi với Hà Nội, đó là những ngày thơ ấu được mẹ chở trên chiếc xe đạp cũ đi khắp các phố phường với cảm giác bình yên mà chan chưa yêu thương. Tôi được mẹ đưa đi đọc sách, truyện trên phố Đinh Lễ, được nghe tiếng loa phường phát lên mỗi chiều, được ngửi mùi hương hoa sữa nồng nàn, được ăn kem ốc quế trên phố Tràng Tiền và có lúc ngồi ghế đá nghỉ chân, cùng mẹ ngắm nhìn Hồ Gươm hoa lệ bên dòng người nườm nượp đi qua.

Trong những ngày tháng 10 lịch sử, tại "Thủ đô trên biển" của cả nước, tôi muốn nói rằng: "Là người Việt Nam, chúng ta dù là người dân có quê hương ở Thủ đô hay bất cứ vùng miền nào, cũng cần thể hiện tình yêu quê hương, biết cống hiến, hy sinh cho đất nước. Biết trân trọng xương máu của các cha anh đi trước và sống như những thế hệ cha anh đã cùng "Quyết tử vì tổ quốc quyết sinh", để chúng ta cùng nhau xây dựng, bảo vệ vững chắc Thủ đô anh hùng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước