Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và phương tiện giải trí hiện đại, nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền đang bị đe dọa và có nguy cơ biến mất hẳn khỏi đời sống xã hội. Tại Nhật Bản, một nhóm những người cao tuổi đang cố gắng bảo tồn loại hình nghệ thuật biểu diễn đường phố. Đây là hình thức biểu diễn đã có từ thời kỳ Edo cách đây 400 năm, nhưng nay chỉ còn xuất hiện một cách ít ỏi trong những dịp lễ hội. Phóng sự của nhóm phóng viên thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Nhật Bản.
Tại ngôi đền Nitta tại quận Otaku, thành phố Tokyo cứ đến mỗi Chủ nhật cuối tháng lại rộn rã những tiếng trống hiệu, thông báo giờ trình diễn của các nghệ sĩ đường phố Nhật Bản.
Ông Azabu, một nghệ sĩ đường phố tại Nhật Bản, đóng vai một người bán đấu giá chuối thời kỳ Edo, mô tả lại cách những người bán hàng thu hút khách cách đây 400 năm. Ông Azabu không phải là một nghệ sĩ chuyên nghiệp mà chỉ là một người có tâm huyết muốn khôi phục lại những nét văn hóa cổ truyền của đất nước.
Ông Azabu Jyubei chia sẻ: “Tôi bắt đầu biểu diễn như thế này cách đây 10 năm, khi tôi nghỉ hưu. Tôi muốn đem lại niềm vui cho mọi người theo những phương thức truyền thống. Tôi nghĩ không thể để môn nghệ thuật này bị mai một đi được”.
Biểu diễn trên đường phố là phương thức nghệ thuật rất thịnh hành thời kỳ Edo, khi chưa xuất hiện các loại hình giải trí hiện đại. Những nhóm hát, trình diễn ảo thuật, xiếc, từng thu hút rất đông người xem và trở thành cách kiếm sống phổ biến cho nhiều người.
Ông Yasaka Hakushin - Ban quản lý phúc lợi, quận Otaku, Tokyo cho biết: “Bây giờ thì không mấy người còn biểu diễn theo cách này nữa. Các môn xiếc hiện đại như tung hứng, biểu diễn trên dây thu hút được giới trẻ nhiều hơn. Môn nghệ thuật trình diễn cổ truyền này đang bị mất dần tại Nhật Bản”.
Theo ước tính, trên cả Nhật Bản chỉ còn chưa đến 500 người biểu diễn đường phố. Hầu hết trong số đó đều đã cao tuổi và không chuyên. Để duy trì loại hình trình diễn này, nhiều người có tâm huyết thành lập các hội nghiên cứu và góp tiền để mua các thiết bị biểu diễn cổ như chiếc máy xem kịch cổ vốn là 1 trong 3 chiếc còn sót lại tại Nhật Bản và được những người biểu diễn đường phố hết sức giữ gìn.
Ông Azabu Jyubei nói: “Nhóm nghiên cứu nghệ thuật trình diễn đường phố của chúng tôi có 50 người. Chúng tôi tập luyện chung vào ngày Chủ nhật cuối cùng của mỗi tháng. Tất cả kinh phí đều là từ tiền lương hưu của mọi người mà ra. Đi biểu diễn như thế này, chúng tôi toàn chịu lỗ thôi”.
Những nghệ sĩ đường phố Nhật Bản hy vọng rằng sự nỗ lực của họ có thể kéo thêm nhiều người đến với loại hình biểu diễn đang có nguy cơ thất truyền này, từ đó bảo tồn môn nghệ thuật cổ truyền của Nhật Bản.
Sự phát triển của các loại hình giải trí hiện đại đã dẫn đến sự thu hẹp đáng kể của môn nghệ thuật trình diễn đường phố tại Nhật Bản. Và những người có tâm huyết ngày ngày vẫn đang nỗ lực để duy trì loại hình nghệ thuật đã có gần 400 năm lịch sử này.
Mời các bạn theo dõi chi tiết ở phần cuối video sau đây: