Nhà tù Sơn La thu hút nhiều du khách đến để tìm hiểu và yêu hơn lịch sử dân tộc

Giang Châu, Ảnh: Phạm Ngọc-Thứ bảy, ngày 02/03/2024 16:31 GMT+7

VTV.vn - “Tây Bắc một màu xanh bát ngát - Lồng lộng trên cao trời Sơn La - Có nghe tiếng vọng Hồn non nước - Lịch sử bi hùng, khúc tráng ca”

Mỗi khi nhắc đến thành phố Sơn La, có lẽ nhiều người sẽ thấy rằng, thành phố này không phải nơi lý tưởng để du lịch. Vị trí cuối tỉnh, đi từ Hà Nội mất khoảng 7 – 8 tiếng, các điểm nổi tiếng của tỉnh đều ở những huyện khác, như Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, thế nhưng mỗi khi đến đây, người ta sẽ cảm nhận được một thành phố yên bình, rộng mở, và đặc biệt có nhà tù Sơn La – di tích lịch sử quốc gia đặc biệt dành cho những ai yêu lịch sử.

Nhà tù Sơn La thu hút nhiều du khách đến để tìm hiểu và yêu hơn lịch sử dân tộc - Ảnh 1.

Khung cảnh tại Nhà tù Sơn La.

Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2, chủ yếu để giam cầm tù thường phạm. Năm 1930, trước phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của cách mạng Việt Nam ngày càng dâng cao, thực dân Pháp đã mở rộng Nhà tù Sơn La thêm 1.500 m2 và bắt đầu giam chính trị phạm. Năm 1940, thực dân Pháp cho xây dựng một trại giam có diện tích 170m với ý định giam tù nhân nữ, nhưng âm mưu này đã không thực hiện được. Như vậy, qua 3 lần xây dựng và mở rộng, Nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.170 m2. Đặc biệt, trong quá trình mở rộng nhà tù, thực dân Pháp còn cho xây dựng một dãy xà lim ngầm nằm sâu dưới lòng đất 3m, được che giấu bởi khu nhà bếp ở trên.

Nhà tù Sơn La được xây dựng kiên cố, tường xây bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn. Giường nằm cho tù nhân xây bằng đá, mặt láng xi măng, mặt ngoài gắn hệ thông cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Với thiết kế như vậy, những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc với cái nóng như đổ lửa vào mùa hè cùng những đợt sương muối giá rét vào mùa đông đã khiến các loại bệnh phát sinh và lây lan nhanh chóng. Nhà tù Sơn La được ví như "chiếc quan tài nắp mở, chỉ chờ tù nhân tắt thở đem chôn".

Từ năm 1930 đến năm 1945, thực dân Pháp đã đày lên Nhà tù Sơn La 14 đoàn tù chính trị với tổng số 1.013 lượt tù nhân, trong đó có rất nhiều đồng chí là Ủy viên Trung ương, Xứ ủy, Thành ủy và nhiều cán bộ cốt cán của Đảng. Trực diện với tội ác của kẻ thù, hơn bao giờ hết, khí tiết của những người cộng sản đã tỏa sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc, góp phần rất lớn vào sự thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng vĩ đại, đào tạo, bồi dưỡng cho Đảng và cách mạng Việt Nam những chiến sĩ Cộng sản xuất sắc tiêu biểu như: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, ….

Hòa bình lập lại, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã tiến hành ba lần tu bổ, tôn tạo di tích Nhà tù. Di tích này đã trở thành một địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ các dân tộc Sơn La và nhân dân cả nước.

Nhà tù Sơn La đón nhiều đoàn du khách từ trẻ tới cao tuổi ở trong và ngoài tỉnh.

Những ngày đầu năm, nhiều du khách chọn du xuân trên Tây Bắc. Đường vào nhà tù Sơn La trở nên thơ mộng hơn cũng bởi những sắc hoa ban trắng nở từng góc trời. Tôi bắt gặp một khung cảnh đổ nát, những cánh cửa sắt đã hoen rỉ, ẩn hiện trong đó là một quá khứ đau thương nhưng hùng dũng của dân tộc. Thật vui vì thấy di tích có nhiều đoàn khách, từ học sinh cho tới người cao tuổi, những thuyết minh viên say sưa giới thiệu.

Ông Bùi Hữu Nghĩa, 75 tuổi, du khách đến từ Tp. Hội An, Quảng Nam cho biết, ông và những người bạn trong hội người cao tuổi rất thích đến những di tích như thế này: "Thứ nhất là mình thích đi du lịch, thứ hai là mình già rồi, nếu không biết về đất nước thì rất là đáng tiếc. Mình thấy họ bảo tồn di tích này rất hay để thế hệ sau hiểu về lịch sử, về những mất mát về thế hệ đi trước. Con người làm cách mạng đã hi sinh quá nhiều".

Ông Bùi Hữu Nghĩa lặng người khi được trở về lịch sử qua những cảnh vật, nội dung được truyền tải ở Nhà tù.

Còn bạn Trúc Phương, 26 tuổi, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh đã cảm động khi đứng trước di tích lịch sử này:

""Thu sang hoa cỏ già rồi

Suối reo lên để cho đời trẻ trung

Thu sang non nước lạnh lùng

Suối reo lên để cho lòng ta reo".

Bài thơ được treo trong nhà tù Sơn La của nhà báo Xuân Thuỷ, người sáng lập tạp chí Suối Reo cũng là một người tù chính trị từng bị nhốt ở đây. 

Đi tới đây mới thấy tinh thần yêu nước bất khuất trước cảnh tù đày và sự sáng tạo không ngừng của ông cha ta ngày xưa.

Thật tự hào!"

Nhà tù Sơn La thu hút nhiều du khách đến để tìm hiểu và yêu hơn lịch sử dân tộc - Ảnh 5.

Nhà tù Sơn La thu hút nhiều du khách đến để tìm hiểu và yêu hơn lịch sử dân tộc

Từ đợt Tết, Bảo tàng tỉnh Sơn La luôn bố trí đội ngũ hướng dẫn viên, người phục vụ thay phiên nhau trực để đảm bảo phục vụ du khách có nhu cầu đến thăm quan. Trung bình trong dịp tết, mỗi ngày Bảo tàng đón 300 - 400 lượt khách, hầu hết đến từ các tỉnh khác.

Khi cuộc sống càng hiện đại và phát triển, những công trình mang tính lịch sử như Nhà tù Sơn La càng có chỗ đứng quan trọng trong việc tiếp nối lòng yêu nước và truyền cảm hứng sống cho thế hệ trẻ. Thành phố Sơn La những ngày đầu xuân đã đón chúng tôi không chỉ với hoa mận, hoa ban nở bừng sức sống của núi rừng Tây Bắc, mà còn là những câu chuyện lịch sử quá đỗi thiêng liêng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước