Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed (UAE) – Viên ngọc sáng giữa sa mạc

PV/Ảnh: BTV Vân Anh (Thường trú VTV tại Trung Đông)-Thứ sáu, ngày 18/08/2017 14:44 GMT+7

VTV.vn - Nếu nói UAE như một viên ngọc giữa sa mạc thì Sheikh Zayed Mosque là quầng sáng nhất trong viên ngọc ấy.

Tôi đến thăm Sheikh Zayed Mosque vào một buổi chiều giữa tháng 7, thời điểm nắng nóng nhất trong năm, vì không kiềm chế nổi sự háo hức của mình. Đó là 1 trong 3 Nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới, tọa lạc tại một khuôn viên rộng hơn 22.000 m2, cách trung tâm Thủ đô Abu Dhabi khoảng 10 cây số.

Nằm trên trục đường chính của thủ đô, từ xa du khách đã có thể nhận ra Sheikh Zayed Mosque qua những chóp vòm đá màu trắng đặc trưng, nổi bật lên giữa nền trời xanh trong nắng sa mạc.

Tất cả mọi người đều được chào đón ở đây, cho dù bạn là người ở tôn giáo nào. Mục tiêu mà Thánh đường Hồi giáo này muốn hướng đến là không chỉ trở thành nơi người Hồi giáo cầu nguyện, mà còn là một nơi để trao đổi những nền tảng văn hóa khác nhau.

Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed (UAE) – Viên ngọc sáng giữa sa mạc - Ảnh 1.

Cửa chính đi vào khuôn viên Nhà thờ luôn chia làm hai bên, một bên cho đàn ông và một bên cho phụ nữ. Lý do là vì Thánh đường đạo Hồi sẽ có những quy định khắt khe về trang phục cho từng giới. 

Nam giới phải mặc quần dài đến mắt cá chân và đi giày kín, đối với phụ nữ thì cánh tay và chân phải được che đậy cẩn thận. Tôi đã dự trù được điều này nên đã mặc quần áo dài từ ở nhà. Nhưng đến nơi, các nhân viên an ninh vẫn yêu cầu phải mặc áo choàng dài trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo (tất cả áo này đều được cho mượn miễn phí trong các bãi đậu xe và trước cổng vào). Một lần mặc thử và trải nghiệm cảm giác của người phụ nữ Hồi giáo, cũng rất thú vị.

Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed (UAE) – Viên ngọc sáng giữa sa mạc - Ảnh 2.

Bước qua cánh cửa chính, bạn dễ bị choáng ngợp bởi sự đồ sộ của các tòa tháp. Bốn góc của Nhà thờ, bốn ngọn tháp cao 107m, mang ba phong cách hình học từ ba nền văn minh khác nhau: khối Mamluk của Ai Cập trên mặt đất, hình lục giác của Bắc Phi ở giữa và phía trên cùng là ống trụ lấy cảm hứng từ kiến trúc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed (UAE) – Viên ngọc sáng giữa sa mạc - Ảnh 3.

Thánh đường Sheikh Zayed không chỉ là nơi hành hương thiêng liêng của người theo đạo Hồi mà còn là một tác phẩm kiến trúc đầy nghệ thuật. Công trình được xây trong 11 năm (từ năm 1996 đến năm 2007), và được đặt theo tên vị tổng thống đã thành lập nên Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) – ngài Sheikh Zayed Bin Sultan Al Nahyan.

Bên một góc phía Bắc là của Thánh đường Grand Mosque là lăng mộ của Sheikh Zayed. Được xây trên một vị trí trang trọng nhất của Nhà thờ, để người dân UAE tưởng nhớ đến vị lãnh tụ tôn kính của mình.

Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed (UAE) – Viên ngọc sáng giữa sa mạc - Ảnh 4.

Bước vào bên trong là một khoảng sân lớn, nơi đây khách du lịch có thể phóng tầm mắt ra bốn phía. Trong ánh nắng hoàng hôn, khi các đỉnh tháp chạm vào nền trời, càng thấy được sự kỳ vĩ của một công trình tôn giáo hàng đầu thế giới. Để vào trong, du khách sẽ phải đi qua những vòng cung nghệ thuật. Grand Mosque có 82 mái vòm tròn lớn như thế, tiêu biểu cho vẻ đẹp, niềm đam mê và sự uy quyền của thời đại Hồi giáo Mughal.

Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed (UAE) – Viên ngọc sáng giữa sa mạc - Ảnh 5.

Đích đến của chuyến hành trình thăm Grand Mosque sẽ là Hội trường cầu nguyện chính. Con đường dẫn đến Hội trường này không quá xa, những bạn sẽ đi qua rất nhiều những cửa vòm và hàng trăm chiếc cột dát vàng trên đỉnh. Ánh vàng kim loại được ánh nắng cuối ngày hắt qua, đổ xuống mặt hồ phía lăng mộ Sheikh Zayed, tạo ra một vẻ đẹp lung linh huyền ảo vô tận.

Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed (UAE) – Viên ngọc sáng giữa sa mạc - Ảnh 6.

Để đi vào Hội trường cầu nguyện, bạn sẽ cần tháo bỏ giày dép. Nếu như du khách đang mải mê thăm viếng bên ngoài, đã quen với cái nắng 40 độ cuối ngày của vùng sa mạc, thì bước chân vào tiền sảnh, hơi mát thổi từ dưới chân sẽ khiến bạn hơi bất ngờ. Mọi cơn nóng được nhanh chóng xoa dịu, thậm chí có phần se lạnh.

Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed (UAE) – Viên ngọc sáng giữa sa mạc - Ảnh 7.

Sảnh cầu nguyện chính là một không gian vô cùng rộng lớn có sức chứa lên đến 10.000 người. Chiếc đèn chùm lớn nhất trong Thánh đường Hồi giáo, được đặt tại trung tâm của sảnh cầu nguyện chính được thiết kế theo hình ảnh cây cọ, một loại cây biểu tượng của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Có khoảng 40 triệu viên pha lê Swarovski được dùng để trang trí cho 7 chiếc đèn chùm của Thánh đường Hồi giáo.

Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed (UAE) – Viên ngọc sáng giữa sa mạc - Ảnh 8.

Nếu như phía trên ánh sáng lấp lánh của hàng chục triệu viên pha lê khiến người ta không thể rời mắt, thì tấm thảm dệt tay lớn nhất thế giới dưới chân cũng được xem như một kiệt tác nghệ thuật. Với diện tích gần 6.000 m2, tấm thảm do 1.200 nghệ nhân dệt trong vòng 16 tháng mới hoàn thành.

Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed (UAE) – Viên ngọc sáng giữa sa mạc - Ảnh 9.

Sheikh Zayed Mosque là tập hợp của những con số kỷ lục, ngập những bất ngờ. Sức chứa tối đa hơn 40.000 tín đồ Hồi giáo về cầu nguyện, khiến Thánh đường Sheikh Zayed Mosque trở thành một trong những điểm đến lớn nhất của người Hồi giáo trên thế giới. Du khách ngoại đạo cũng luôn được chào đón. Và đó là lý do nơi đây thu hút hơn 1 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Tôi kết thúc chuyến thăm khi Mặt trời đã lặn hẳn. Thánh đường chỉ còn sáng lên bởi ánh đèn bốn phía, nhưng sự hùng vĩ của công trình tôn giáo thế kỷ thì không hề giảm bớt. Tôi cảm giác mình vừa đi ra từ một câu chuyện cổ tích xứ Trung Đông.

Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed (UAE) – Viên ngọc sáng giữa sa mạc - Ảnh 10.

Nếu bạn bị hấp dẫn bởi những vẻ đẹp huyền bí Arab thì đừng bỏ lỡ điểm đến này. Bởi nếu nói UAE như một viên ngọc giữa sa mạc, thì Sheikh Zayed Mosque là quầng sang nhất trong viên ngọc ấy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước