Kể từ khi tốt nghiệp Học viện Báo chí Tuyên truyền năm 1999, tôi đã thấy Minh xông pha lên vùng đá đỏ Lục Yên điều tra từng chùm bài, đi dọc ngang xuôi ngược khắp non sông gấm vóc viết từng tuyến ký sự. Đặc biệt, Huy Minh là một trong những người viết đầu tiên dấn thân vào vùng Ngã ba biên giới huyền thoại A Pa Chải, giáp ranh 3 nước Việt Nam – Trung Quốc – Lào, nơi một tiếng gà gáy cả ba nước cùng nghe. Chuyến đi bộ của Minh kéo dài cả tháng trời, xuyên từ đầu nguồn sông Đà, qua rừng thẳm Mường Tè sang Mường Nhé mênh mông. Sau này, nhiều nhà báo (trong đó có người viết bài này) đã đi con đường đó với muôn vàn hiểm nguy và vất vả. Nhiều năm sau đó, khi đường xá thuận lợi hơn, các bạn trẻ “phượt” Việt Nam mới biết đến vẻ đẹp của các tộc người, của rừng nguyên sinh và cột mốc ba cạnh xứ này.
Sau này, khi tập phóng sự ký sự do Huy Minh viết, mang tên: “Kimono trong rừng thẳm” được ấn hành, nhiều người giật mình về sức viết, sức đi, tài lăn lộn và xúc cảm trên từng bước chân của Minh. Sinh năm 1977, từng làm việc ở các báo Gia đình Xã hội, Thể thao văn hóa, Năng Lượng Mới, nay đang “đứng số” với chức danh Phó Trưởng Ban thư ký tòa soạn báo Lao Động. Tưởng bị cảnh thục chân vào gầm bàn gò câu đẽo chữ cho người khác từ lâu, ai dè, Minh vừa gây bất ngờ với cuốn sách mới do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa cho ra mắt: “Tìm lại con đường tơ lụa trên Biển Đông”.
‘ Bìa sách "Tìm lại con đường tơ lụa trên biển Đông" của nhà báo Huy Minh
Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Khả Phiêu đã viết lời tựa cho cuốn sách, bằng một sự trân trọng đặc biệt: “Khi đọc tập Phóng sự - Ký sự “Kimono trong rừng thẳm”, tôi cho rằng, cuốn sách như được viết nên bằng một lối kể chuyện giản dị mà đầy lôi cuốn về những vùng đất mà nhà báo Nguyễn Huy Minh đã đi qua. Cầm trên tay bản thảo cuốn sách mới “Tìm lại con đường tơ lụa trên Biển Đông”, tôi có đôi chút băn khoăn. Đây không phải là lối viết phóng sự ký sự quen thuộc như trong cuốn sách trước đó, mà được chuyển tải bằng các thể loại khác của báo chí: phỏng vấn, chân dung, bình luận... Nhưng dù được sử dụng thể loại báo chí nào thì vẫn là một lối kể chuyện giản dị mà đầy lôi cuốn; lấp lánh trong đó niềm kiêu hãnh và tình yêu thương quê hương Việt Nam mình”.
Quả thật, với những người trong nghề viết như tôi (người viết bài này), cũng đã cảm thấy rõ bước chuyển mình, nỗ lực tìm tòi có kết quả đáng mừng của Nguyễn Huy Minh trong lần “tái xuất giang hồ” này. Thực tế, dù cách thể hiện nào thì báo chí cũng là cuộc trò chuyện của ngôn từ, của con chữ, của những gì thắm thiết nhất mà nhà báo muốn truyền tải đến cho công chúng. Huy Minh đã đào xới hiện thực, gặp gỡ những con người có thể nói là không dễ gặp tí nào; Viết về những thâm cung bí sử của lịch sử, văn hóa, con người, vùng đất. Minh đã kỳ công tìm gặp những người rất nổi tiếng, nổi tiếng trên toàn thế giới, và anh cũng tìm và đối thoại với cả những người còn lấm láp ẩn hiện đâu đó trong dân gian. Minh làm tất cả, vì con chữ trưng bày lên “bàn tiệc” cho độc giả của mình, bất chấp đó là thể loại gì, bất chấp đó là mảng đề tài nào.
Vì thế, ta có thể thấy ở cuốn sách từ chuyện “ứng xử với quyền lực” của một gia đình nổi tiếng làm quan thời buổi này; chuyện 20 năm tìm mộ mẹ của Thượng tướng Nguyễn Thế Trị; trò chuyện và viết chân dung đầy “cá tính”, luận về thế giới những “người tù” với đồng chí (bấy giờ là) Cục trưởng Cục Trại giam, Thiếu tướng Phạm Đức Chấn. Một loạt các chân dung người nổi tiếng như GS Hoàng Tụy, Nhà văn Tô Hoài, NSND Đặng Thái Sơn rồi cả những người làm ra món được dân du lịch toàn cầu tôn vinh là “nên ăn trước khi chết”, như bà chủ quán Chả cá Lã Vọng… - các “bức chân dung” ấy hiện lên chân thực, sinh động, lung linh qua giọng văn và góc nhìn của chính Huy Minh (chứ không phải ai khác, khi mà thông tin về một số nhân vật trên đã tràn ngập trên báo chí, truyền hình, sách vở…).
Nhiều đề tài công phu, kỹ càng, đầy tính hàn lâm, tưởng như vô cùng khô khan trong các báo cáo khảo cổ cũ kỹ, đã được Huy Minh thổi hồn mình vào, viết chu đáo, có văn, có giọng điệu, khiến mọi thứ trở nên gần gũi và hấp dẫn. Đó là chuyện về cây đèn hình người quỳ 2000 năm tuổi đầy bí ẩn ở Việt Nam ta; là chuyện về “Bảo vật truyền lại từ đời Trần”, “chiếc trống đồng lạ lùng của nhà Tây Sơn”, đặc biệt là “Chiếc ấn vàng Chúa Nguyễn mang đi mở cõi Phương Nam”... rồi kết thúc bằng “Tìm lại con đường tơ lụa trên Biển Đông”.
Nhà văn Tô Hoài bảo, văn chương báo chí là nghề đi nhặt chữ của “giời”, hành trình tìm kiếm chính mình của cây bút Nguyễn Huy Minh đã có những ngả rẽ thú vị, ít ra là nhìn từ cuốn sách mới này.