Người lưu giữ nghề chế tác đàn truyền thống Đào Xá

Thanh Loan (VTV4)-Thứ hai, ngày 18/07/2011 07:50 GMT+7

Từ xưa, làng Đào Xá, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội đã nổi tiếng với nghề làm nhạc cụ truyền thống. Có nhiều lúc làng nghề truyền thống này tưởng chừng bị rơi vào quên lãng. Nhưng nhờ những nỗ lực và sự kiên trì của ông Đào Ngọc Soạn, một người nặng lòng với nghề truyền thống của làng mà tiếng đàn Đào Xá vẫn đang trên con đường khẳng định thương hiệu và ngày càng được lan tỏa đi khắp cả trong và ngoài nước.

Nghệ nhân Đào Ngọc Soạn là một trong những người có thâm niên làm các loại nhạc cụ truyền thống của làng Đào Xá. Trong ngôi nhà nhỏ, hai vợ chồng ông Soạn vẫn đang miệt mài hoàn thành những công đoạn cuối để kịp ngày giao đàn. Theo lời ông Soạn, nghề làm đàn Đào Xá đã có cách đây trên 200 năm.
Trước đây, nghề làm nhạc cụ truyền thống của làng rất phát triển. Nhưng hiện giờ trong làng chỉ còn khoảng 15 hộ trên tổng số 114 hộ còn theo nghề. Để làm được nghề này, người thợ cũng phải mất 2- 3 năm theo học và phải có tâm với nghề. Một cây đàn như ý phải trải qua không biết bao nhiêu công đoạn cùng với sự tỉ mẩn, tài hoa dưới bàn tay người thợ.
Theo ông Đào Ngọc Soạn, để chọn gỗ làm đàn thì phải chọn gỗ ngô đồng, khi chọn gỗ cũng tùy theo yêu cầu của người chơi. Nếu người ta muốn tiếng thổ hay tiếng kim thì mình sẽ đáp ứng theo yêu cầu khi chọn gỗ này. Nếu để ra tiếng thổ thì phải chọn gỗ mặt xốp vừa, ra tiếng kim pha thổ thì chọn gỗ mặt mềm nhưng mặt phải rắn, còn kim thì phải chọn gỗ rắn. Đồng thời khi chọn mặt đàn như thế này nếu muốn kêu tốt thì người ta sẽ không chọn loại vân núi.
Sản phẩm của làng cũng khá đa dạng, từ cây đàn bầu, đàn tam, thập, lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà... cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu... đều có cả. Thế nhưng, có một điều lạ là hầu như những người làm nghề nơi đây không có kiến thức về âm nhạc nhưng âm sắc của mỗi cây đàn họ làm ra lại rất chính xác.
Ông Đỗ Duy Khanh, khách mua hàng cho biết: “Tôi vẫn xuống đây lấy thường xuyên, không chỉ lấy cho mình mà còn lấy cho anh em trong đội nhạc. Trong nghề nhạc dân tộc này không có khuôn nào cả chỉ có bằng tai, mình chơi mình nghe thì thấy âm thật thì mình dùng...".
Đàn Đào Xá đã qua thời gian khó khăn và từng bước khẳng định lại giá trị trên thị trường. Nhưng để có thể duy trì được nghề truyền thống này cũng đang là vấn đề đặt ra đối với nhiều nghệ nhân của làng. Vì thế việc truyền nghề và quan trọng hơn là truyền lòng yêu nghề truyền thống của cha ông cho thế hệ trẻ, đó là tâm nguyện mà những người như nghệ nhân Đào Ngọc Soạn vẫn đang âm thầm thực hiện.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước