Ngôi nhà ngô kể về văn hoá của người Mông

Bài: Thu Thảo - Ảnh: Trọng Cung-Thứ tư, ngày 11/12/2024 15:27 GMT+7

VTV.vn - Ngôi nhà ngô được anh Giàng A Súa - một người Mông ở thôn Màng Mủ, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái dựng lên từ năm 2017 với hàng nghìn bắp ngô vàng óng.

Đồng bào Mông là một thành phần quan trọng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, dọc theo biên giới Việt - Trung và Việt - Lào. Nét văn hóa của người Mông là một thành tố tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong sự thống nhất. Anh Giàng A Súa đã dựng ngôi nhà ngô ở Mù Cang Chải để lan tỏa một phần nếp ăn, nếp sống, nếp ở của người Mông ở vùng này.

Ngôi nhà ngô kể về văn hoá của người Mông - Ảnh 1.

Ngôi nhà đậm chất “H’Mông”, được đặt tên là Nhà ngô Màng Mủ.

Ngôi nhà ngô kể về văn hoá của người Mông - Ảnh 2.

Bắp ngô đã trở thành chất liệu để tạo hồn, tạo nét cho ngôi nhà.

Nhà ngô thực chất là nhà sàn, lợp mái sa mu, pơ mu và treo những hàng ngô đều tăm tắp. Đúng theo phong tục tập quán của người Mông, kiểu nhà này là sự thích ứng với điều kiện tự nhiên của vùng thung lũng và núi cao nơi họ sống. Bởi lẽ, tại các vùng cư trú của người Mông, không gian sát mặt đất thường ẩm thấp, nhiều khí lạnh, khí độc, thậm chí có thể bị thú dữ tấn công nên không thể làm nhà trệt. Người Mông làm nhà tương đối thống nhất theo một khuôn mẫu của cộng đồng, dù to hay nhỏ cũng đều có ba gian, không có cửa sổ, chỉ có cửa chính và cửa phụ dành cho phụ nữ. Điểm độc đáo này cho thấy sự thích ứng của người Mông ở vùng thời tiết lạnh.

Ngôi nhà được trang trí bởi một loại lương thực chính của đồng bào miền núi, trong đó có người Mông, đó là mèn mén được xay từ ngô. Với địa hình đồi núi, xưa kia, người Mông không thể trồng lúa nước như người Kinh ở đồng bằng, trung du nên đã trồng ngô trên các nương, rẫy. Ngô đã trở thành nguồn lương thực chủ yếu, cũng là biểu tượng cho ẩm thực của người Mông khi họ sáng tạo thêm các loại bánh và rượu từ ngô.

Ngôi nhà ngô kể về văn hoá của người Mông - Ảnh 3.

Bên trong căn nhà ngập tràn bắp ngô.

Trong quan niệm của người Việt Nam, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, cho rằng phụ nữ là người có khả năng gìn giữ và duy trì văn hóa. Và phụ nữ Mông được coi là người “thắp lửa” cho gia đình. Hình ảnh người phụ nữ mặc trang phục truyền thống, chăm con, làm việc nhà, dệt vải, thêu thùa, may vá đã trở thành một nét đẹp trong căn nhà ngô của anh Giàng A Súa mà bất cứ du khách nào cũng ấn tượng mỗi lần ghé thăm.

Trang phục của phụ nữ Mông được dệt tương đối cầu kỳ với nhiều đường nét hoa văn. Mỗi bộ phận được cấu tạo và trang trí khác nhau, phản ánh quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan thông qua màu sắc và hoa văn trên trang phục.

Được biết, giá vé vào thăm ngôi nhà ngô là 10.000 đồng/khách. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm dệt vải, may vá hay vẽ tranh bằng sáp mật ong. Đó đều là những nét văn hoá lâu đời của đồng bào dân tộc Mông.

Ngôi nhà ngô kể về văn hoá của người Mông - Ảnh 4.

Người phụ nữ H'Mông bên ngôi nhà ngô của mình.

Ngôi nhà ngô kể về văn hoá của người Mông - Ảnh 5.
Ngôi nhà ngô kể về văn hoá của người Mông - Ảnh 6.

Ngày nay, khi xã hội tiến tới văn minh hiện đại, bản sắc của người dân tộc ngày càng bị mai một. Thật cần những người như anh Súa - chung tay bảo vệ nét đẹp của dân tộc mình, góp phần làm phong phú cho nền văn hóa các dân tộc Việt Nam, đồng thời học cách thay đổi phương thức sinh kế để đời sống có thêm nhiều khởi sắc.

Văn hóa không chỉ là những gì được lưu giữ, thực hành và lan toả trong một cộng đồng người nhất định. Giờ đây, văn hoá đã được “khuếch tán” như một niềm tự hào của cộng đồng đó. Cách anh Giàng A Súa sáng tạo ngôi nhà ngô không đơn thuần là cách trang trí mới lạ cho một căn nhà, mà còn là cách chia sẻ văn hóa của đồng bào mình và hướng tới phát triển du lịch địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước