Nghiện mua sắm không chừa một ai!

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 18/07/2023 13:43 GMT+7

VTV.vn - Người trẻ hay người già đều có những lý do khác nhau để mua sắm.

Trên nhiều diễn đàn trực tuyến gần đây, xuất hiện những bài đăng với nội dung lương từ chục triệu đến vài chục triệu đồng mỗi tháng nhưng vẫn không đủ sống, không có tích lũy. Điều này kéo theo những bình luận trái chiều. Tiền là của mỗi cá nhân, tiêu như thế nào là quyền của mỗi người. Nhưng nếu tiêu xài đến mức trở thành hội chứng nghiện mua sắm, vạy mượn, nợ nần, thậm chí trộm cướp để mua sắm lại là câu chuyện đáng bàn.

Nghiện mua sắm được hiểu là hành vi mua sắm không kiểm soát. Nguyên nhân của chứng nghiện mua sắm ở mỗi người là khác nhau nhưng thường có thể phát triển từ thói quen mua sắm như một cách đối phó với căng thẳng, hay để xác định giá trị cá nhân thông qua sở hữu vật chất. Điều này càng khó kiểm soát hơn khi mua sắm trực tuyến thay vì một của hàng thực tế, rẻ cũng mua, đắt cũng mua, buồn cũng mua, vui càng mua. Điều gì quá cũng không tốt, mua sắm cũng vậy!

Nghiện mua sắm không chừa một ai. Người trẻ hay người già đều có những lý do khác nhau để mua sắm. Người trẻ chay theo xu hướng và thói quen thể hiện bản thân. Bởi xã hội tiêu thụ hiện đại thường coi việc mua sắm là phần quan trọng của cuộc sống, xác định giá trị cá nhân thông qua sở hữu vật chất. Người cao tuổi không nằm ngoài vòng xoáy mua sắm. Về hưu, mua sắm quá nhiều thứ không cần thiết khiến cuộc sống của gia đình có thể đối mặt với những bất hòa.

Thời nguyên thủy mua sắm theo nguyên tắc hàng đổi hàng. Giờ đây, hàng đổi tiền rồi lại đổi hàng. Trong thời đại bùng nổ công nghệ, đường đi của hàng hóa thậm chí sẽ là hàng – chuyển khoản, trả góp – hàng. Việc xuất hiện các hình thức thanh toán mới như trả góp khiến nhiều người sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đồng, dù trong túi chỉ có vài triệu, với suy nghĩ còn cơ hội trả nợ phía trước.

Các nhà tâm lý học đã chứng minh khi thực hiện hành động mua sắm, vỏ não sẽ sản sinh ra dopamine, làm người mua cảm thấy hứng thú, vui vẻ. Chính vì thế, nhiều người mua sắm vì thích cảm giác nhận món hàng mới, không phải vì giá trị sử dụng của nó. Nghiện mua sắm do đó có nguy cơ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tâm lý con người.

"Nghiện mua sắm cần thiết phải liệt hẳn thành một loại bệnh tâm lý, cần có sự điều chỉnh, điều trị một cách nghiêm túc. Chúng ta phải dùng đến những công cụ hỗ trợ bản thân đạt mục đích, không sử dụng thẻ tín dụng có hạn mức cao, không thanh toán trực tuyến dễ dàng được, không cài ứng dụng tạo điều kiện dễ dàng nhìn thấy những vật phẩm, đồ dùng không cần thiết nhưng tạo cảm giác hưng phấn để dẫn tới hành vi mua sắm. Thứ ba là đi chợ, siêu thị cần có một người đi cùng, liên tục nhắc nhở chúng ta có thực sự cần mua những vật dụng đó hay không. Cuối cùng, quan trọng hơn hết là ý thức nhắc nhở về con số hay sự tiêu dùng đều sẽ không đủ nếu không có sự quan tâm khác như nấu ăn, chơi với thú cưng, thực hiện hành vi giúp đỡ người khác… Những điều đó giúp chúng ta tiêu tốn thời gian, cảm thấy mình có sự hưng phấn, hữu ích với cuộc sống xung quanh…", nhà báo Vũ Quỳnh Hương chia sẻ.

Nhu cầu sống của mỗi người khác nhau. Người tằn tiện thì có chút tiền đáp ứng nhu cầu tối thiểu là được. Người có nhu cầu hưởng thụ cuộc sống cao thì tiêu nhiều tiền. Nhưng tiêu tiền cần có phương pháp, kỹ năng và văn hóa. Luôn đặt câu hỏi về mức độ cần thiết của món đồ định mua.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước