Gần 150 cổ vật được chia thành 3 chủ đề chính, gồm: Tết xưa, Hiện vật kể chuyện mùa xuân (Gốm Xuân) và Áo dài xưa - Trang phục biểu tượng của Tết Việt Nam.
Chiếm số lượng nhiều nhất là gốm sứ Việt Nam từ thời Trần, Lê, Nguyễn có niên đại trải dài từ thế kỷ 13 đến nửa đầu thế kỷ 20, thể hiện một diện mạo đa sắc, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa cũng như thông điệp từ quá khứ đã được lưu giữ đến nay.
Không gian trưng bày tái hiện sống động khung cảnh Tết xưa qua gian nhà của người Nam Bộ chuẩn bị đón Tết. Từ bàn thờ gia tiên, mâm ngũ quả, hoành phi, câu đối, đến những hiện vật gốm sứ được chế tác thủ công tinh xảo. Qua mỗi chủ đề, người xem sẽ thấy được những câu chuyện thú vị ẩn chứa trong từng hiện vật, những câu chuyện về mùa xuân xưa và những nét văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn còn trường tồn và giá trị đến ngày nay.
"Thông qua các hiện vật quý, có ý nghĩa biểu trưng cho mùa xuân, chúng tôi mong muốn mang đến điềm lành, sự may mắn, thịnh vượng, niềm vui, hạnh phúc và một năm mới bình an cho mọi người. Đây sẽ là điểm đến ý nghĩa, mang lại trải nghiệm phong phú cho du khách trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025", ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, cho biết.
Một số hình ảnh về cuộc trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ:
Chuyên đề Cổ vật kể chuyện xuân sẽ được trưng bày đến hết ngày 10/3.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!