Nạn "xẻ thịt" thú rừng ở chùa Hương: Đã tìm ra giải pháp?

A.K-Thứ hai, ngày 14/04/2014 08:00 GMT+7

Trước tình trạng hình ảnh nhiều con vật bị moi gan, xẻ thịt... treo lủng lẳng trước các quán hàng nơi linh thiêng, gây bức xúc cho hàng ngàn du khách trẩy hội, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã đưa ra giải pháp “dán mác” cho thịt thú rừng tại chùa Hương.

Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) mỗi năm đón hàng chục vạn du khách về hành hương. Trong các lễ hội, chỉ duy nhất chùa Hương bị nêu tên hằng năm gắn với tình trạng bày bán động vật hoang dã (ĐVHD) vô cùng phản cảm. Vài năm trở lại đây, du khách trẩy hội chùa Hương thường bắt gặp cảnh một số nhà hàng ở khu vực linh thiêng treo, bày bán các loại thịt thú rừng; thậm chí nhiều quán ăn còn treo nguyên con nai, hưu đã bị giết, mổ lung lẳng trên dây để thu hút sự chú ý của khách đi lễ. Theo khảo sát của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV), mùa lễ hội năm 2013, có tới 92% nhà hàng được khảo sát ở chùa Hương ngang nhiên bày bán động vật hoang dã.

Năm ngoái, sau khi được báo chí phản ánh, cơ quan Công an Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra và xác định thịt thú rừng được bày bán ở lễ hội chùa Hương là thịt thú nuôi. Trước tình trạng khách đi lễ thường gặp những nhà hàng treo biển bán thịt thú rừng, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã đưa ra biện pháp kiểm soát tình trạng này bằng cách yêu cầu “dán mác” ghi rõ là thịt thú rừng... nuôi.

Theo Ban tổ chức lễ hội chùa Hương, hiện nay Nhím, cày hương, lợn rừng, lợn cắp nách… được nuôi trong dân rất nhiều. Vào các ngày tổ chức lễ hội chùa Hương, mỗi ngày có hàng xe chở nhím nuôi ở Nghệ An về phục vụ nhu cầu của người đi lễ. Hơn nữa, tại địa bàn huyện Mỹ Đức, người dân cũng đã nuôi thành công một số loại thú rừng như: nhím, cày hương, lợn rừng…

Mùa lễ hội năm nay, Ban tổ chức đã quy hoạch 14 quán hàng ăn tại khu vực Thiên Trù, có thể đáp ứng 60.000 thực khách mỗi ngày. Với lượng khách lớn, ngày cao điểm có tới 6 vạn người, còn trung bình là 3 vạn người/ngày đến chùa Hương đi lễ, do vậy chỉ cần mỗi người một lạng thực phẩm thì mỗi ngày cũng cần phải tiêu thụ hết 3 tấn. Do lượng thực phẩm lớn nên người dân phải treo, bầy hàng để bảo quản được tốt hơn, tươi hơn. Tuy nhiên, ông Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, từ năm 2013, huyện đã tuyên truyền bà con đóng tủ quầy to, lắp máy lạnh bảo quản thực phẩm… Năm nay, việc yêu cầu bố trí lại một vài cửa hàng và chấn chỉnh treo thực phẩm để không phản cảm tiếp tục được nhắc nhở, đôn đốc.

Cần lắm những biện pháp mạnh tay để xóa bỏ vấn nạn xẻ thịt động vật hoang dã

Đã có nhiều chỉ đạo của các cơ quan chức năng nhằm xóa bỏ “vấn nạn” xẻ thịt ĐVHD ở chùa Hương, như: Năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan về việc không tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD trong dịp Tết. UBND TP Hà Nội cũng ra chỉ thị yêu cầu các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị nói không với các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD nguy cấp. Đặc biệt, riêng đối với lễ hội chùa Hương, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Ban tổ chức yêu cầu nghiêm cấm các hàng quán treo thịt động vật gắn mác thịt thú rừng tại khu vực dưới bến Thiên Trù lên chùa Hương.

Mặc dù thực hiện nhiều biện pháp ráo riết, thế nhưng, ngay từ những ngày đầu tiên của lễ hội năm 2014, du khách vẫn phải chứng kiến hình ảnh nhiều loài động vật hoang dã bày bán trên đường tới cõi Phật. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp bách đòi hỏi các cơ quan ban ngành liên quan cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để nghiêm khắc xử lí vi phạm pháp luật đối với hành vi bày bán ĐVHD ở chùa Hương.

Ở một nơi linh thiêng như chùa Hương, cần phải tạo ra một không gian văn hóa thực sự trong sạch để người dân thể hiện lòng thành kính khi đi lễ Phật. Vừa qua, tại Indonesia, Ủy ban Giáo sĩ Indonesia (Indonesian Ulema Council) đã ban hành một sắc lệnh Hồi giáo nhằm chống lại nạn săn bắn và buôn bán trái phép ĐVHD. Theo đó, tất cả các phần từ Hồi giáo đều bị cấm có các hành động xâm phạm trái phép đến ĐVHD.  Tổ chức động vật hoang dã thế giới WWF gọi sắc lệnh tôn giáo này là một tiền lệ chưa từng có, đồng thời xem đó là một hành động tích cực của tôn giáo trong công tác bảo vệ ĐVHD. Thiết nghĩ, từ kinh nghiệm của Indonesia, chúng ta cần tận dụng sự tham gia của tôn giáo trong công tác tuyên truyền giảm tiêu thụ và bảo vệ ĐVHD, nhằm tạo dư luận xã hội lên án và thống nhất về việc phải xử lí nghiêm các hành vi tiêu thụ bất hợp pháp nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia.

 

                                                                            

Việt Nam và Nam Phi hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học


Ngày 21/3/2014, Đoàn đại biểu liên ngành của Việt Nam đã đến Nam Phi trong chuyến thăm quan học tập kéo dài một tuần về nội dung bảo tồn đa dạng sinh học. Mục đích của chuyến đi là học hỏi những bài học kinh nghiệm của Nam Phi trong việc quản lí và bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lí tài nguyên động vật hoang dã và các khu bảo tồn. Chuyến đi còn nhằm mục đích tăng cường sự hợp tác giữa Nam Phi và Việt Nam theo Biên bản ghi nhớ hai quốc gia đã kí kết ngày 10/12/2012. Dẫn đầu đoàn đại biểu là PGS.TS Bùi Cách Tuyến – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các thành viên trong đoàn bao gồm đại diện từ các Bộ, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. Các kiến thức thu nhận được từ chuyến đi sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu trong nỗ lực giảm cầu và tiêu thụ trái phép các sản phẩm động vật hoang dã, đồng thời đảm bảo cơ chế tài chính bền vững và quản lí hiệu quả các khu bảo tồn. Chuyến công du được thực hiện vào thời điểm mà công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự sinh tồn của nhiều loài đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nhiều vấn đề như khai thác quá mức, phá hủy môi trường sống, buôn bán tiêu thụ trái phép, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường…
                                     

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước