Mùa trăng - giữ hồn truyền thống

Thu Trang - Ảnh: Nhân vật cung cấp-Thứ ba, ngày 17/09/2024 13:51 GMT+7

VTV.vn - Tết Trung thu trong ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ mỗi người, không thể thiếu những những món đồ chơi dung dị, thân thương.

Chính bởi thế nên đồ chơi dân gian vẫn luôn có chỗ đứng riêng, mặc dù ngày nay đồ chơi công nghiệp tràn ngập thị trường. Đó cũng là lý do để những người thợ thủ công trong bài viết này bao năm nay vẫn bền bỉ giữ nghề, giữ hồn truyền thống... 

Mùa trăng - giữ hồn truyền thống  - Ảnh 1.

Đầu lân được làm bằng giấy bồi

Cứ mỗi dịp Trung thu, những người thợ tại Eco Handicraft lại tất bật chuẩn bị nhiều món đồ chơi truyền thống cho các bạn nhỏ như: mặt nạ, đầu lân, các con giống, lồng đèn, các đồ thủ công… Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở đây là tất cả các sản phẩm đều được làm thủ công từ các vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường. 

Sản phẩm được lòng các khách hàng nhí nhất có lẽ là mặt nạ bằng giấy bồi. Đây là một loại đồ chơi/đạo cụ dân gian của người Việt, được sử dụng rộng rãi không chỉ trên các chiếu chèo, mà còn được dùng trong các lễ hội truyền thống. Để phù hợp với cuộc sống hiện đại, mặt nạ giấy bồi ngày nay không chỉ có những tạo hình quen thuộc như ông Địa, chú Tễu, chị Thỏ Ngọc... mà trở nên đa dạng phong phú hơn cùng các nhân vật hoạt hình, các con vật trong truyện tranh… mà các bạn nhỏ yêu thích.

Mùa trăng - giữ hồn truyền thống  - Ảnh 2.
Mùa trăng - giữ hồn truyền thống  - Ảnh 3.

Mặt nạ là sản phẩm được các bạn nhỏ yêu thích

Theo anh Long Triệu, người sáng lập của Eco Handicraft, để làm ra một sản phẩm bằng giấy bồi tốn khá nhiều công đoạn. Đầu tiên là xử lý giấy, giấy thu về thì ngâm cho bở, sau đó vắt kiệt nước rồi xay thành bột. Tiếp đến là trộn thêm chất kết dính như bột năng, hồ gạo để tạo thành một hỗn hợp nhuyễn. Từ đây, những người thợ thủ công đã có thể tạo hình trên khung cốt (khung sản phẩm, tạo bằng nan tre, dây đay). Tiếp đến là hong sấy, đây là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất. "Ở Eco Handicraft, ngoài việc tận dụng ánh nắng Mặt trời thì chúng tôi còn phải sử dụng thêm lò sấy. Sản phẩm sẽ khô đều do nguồn nhiệt được phân bổ đủ các phía. Tùy vào độ dày mỏng của mỗi sản phẩm mà cần thời gian nhiều hay ít, vài ngày hay vài tuần. Sau khi phơi khô, nghệ nhân sẽ vẽ tay, trang trí thổi hồn vào các sản phẩm" - anh Long Triệu cho biết. 

Mùa trăng - giữ hồn truyền thống  - Ảnh 4.

Mặt nạ giấy bồi ở Eco Handicraft rất đa dạng các tạo hình nhân vật

Sinh ra và lớn lên tại làng nghề Triều Khúc, Tân Triều, Hà Nội, từ nhỏ đã tiếp xúc và tập tành làm các sản phẩm thủ công truyền thống nên anh Long Triệu hiểu rất rõ những món đồ chơi chứa đựng ký ức, tình cảm của người Việt là điều mà đồ công nghiệp hiện đại không thể có được. Bên cạnh đó, tái sử dụng nguồn giấy thải loại sẽ góp phần giảm bớt việc khai thác nguyên liệu trực tiếp từ thiên nhiên, góp phần giảm gánh nặng rác thải ra môi trường. Việc tái chế cũng khiến những thứ tưởng chừng như không còn khả năng sử dụng một lần nữa được tái sinh trong hình hài mới. "Chúng tôi hy vọng rằng, những sản phẩm của mình sẽ có tác động thúc đẩy ý thức phân loại rác của mọi người" - anh Long Triệu chia sẻ.

Mùa trăng - giữ hồn truyền thống  - Ảnh 5.

Khuôn mặt nạ trước khi trang trí

Trẻ con ngày nay bị hấp dẫn đủ thứ từ internet nên không dễ để kéo chúng lại gần với những thứ đồ chơi bị cho là "cổ lỗ sĩ".  Anh Long Triệu cho rằng, cần phải thông cảm với con em mình ở điểm này, đồng thời tìm cách giáo dục các em về nét đẹp truyền thống, về ý thức gìn giữ và bảo vệ môi trường. "Cái chúng ta cần là sự kiên nhẫn, mưa dầm thấm lâu, trò chuyện và nói cho các em hiểu lợi ích của việc hạn chế rác thải, sử dụng đồ tái chế, chỉ cho các em thấy sự khác nhau giữa đồ nhựa sản xuất công nghiệp hàng loạt với cái đẹp của những món đồ được tạo ra từ chính đôi bàn tay…"

Mùa trăng - giữ hồn truyền thống  - Ảnh 6.
Mùa trăng - giữ hồn truyền thống  - Ảnh 7.

Các con giống được làm bằng vậtb liệu tái chế

Đó cũng là lý do mà bên cạnh việc kinh doanh, Long Triệu còn tổ chức các workshop ngay tại xưởng của Eco Handicraft, tại các trung tâm mỹ thuật cho các em nhỏ từ khắp nơi về trải nghiệm. Anh cũng tham gia giảng dạy hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật trong nhiều năm qua. Việc hướng các em nhỏ vào các hoạt động nhào nặn, tô vẽ, để tay chân được lấm lem bột màu, để trí óc được thỏa sức sáng tạo… là cách giáo dục thực tiễn hiệu quả nhất. 

Mùa trăng - giữ hồn truyền thống  - Ảnh 8.

Những người thợ tại Eco Handicraft vẫn miệt mài giữ nghề thủ công truyền thống

Khi được hỏi rằng, liệu đồ thủ công có cạnh tranh nổi với đồ chơi công nghiệp hiện đại, vừa tiện lợi vừa hấp dẫn, mẫu mã cũng thay đổi từng ngày, anh Long Triệu tỏ ra khá tự tin: "Có một điều chúng ta cần chấp nhận, ấy là xã hội vận hành theo guồng phát triển chung của thế giới, của thời đại. Tôi không có tham vọng đồ thủ công sẽ thế chỗ đồ công nghiệp, vì mỗi loại sản phẩm đều có những thế mạnh riêng. Nhưng tôi cũng như các cộng sự của mình luôn có niềm tin vào con đường mà chúng tôi đã chọn. Vì thế, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để đồ thủ công có một vị trí không thể thay thế!". 

Trung thu cho em “Lồng đèn thắp sáng ước mơ”: Mang trung thu đến cho trẻ em nghèo Trung thu cho em “Lồng đèn thắp sáng ước mơ”: Mang trung thu đến cho trẻ em nghèo

VTV.vn - Diễn ra từ ngày 05/9 - 17/9/2024, chương trình Trung thu cho em “Lồng đèn thắp sáng ước mơ” đã được Hội đồng Đội các cấp, tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước