Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thái Lan - Sudawan Wangsuphakijkosol - Tom yum kung phản ánh lối sống hòa hợp với thiên nhiên của người Thái. "Đây là món ăn của người dân ở các cộng đồng nông nghiệp ven sông. Các thành phần của món ăn này đều có nguồn gốc từ địa phương. Người dân đã chế biến chúng thành món ăn lành mạnh", bà cho biết.
Để làm Tom yum kung, cần luộc tôm trong nước sôi trộn với các loại rau thảo mộc như riềng, sả và lá chanh. Vị chính của món canh là vị chua của chanh, tiếp theo là vị mặn của muối hoặc nước mắm, vị cay của ớt, vị ngọt của tôm và một chút đắng nhẹ của rau thơm.
Món Tom yum kung được rất nhiều người trên thế giới yêu thích (Ảnh: Bangkokpost)
Hành trình món ăn này được công nhận bắt đầu từ tháng 3/2021 khi Nội các Thái Lan quyết định đề xuất Tom yum kung vào danh sách di sản văn hóa của UNESCO. Sau khi được công nhận là một yếu tố văn hóa quan trọng trong lĩnh vực tri thức, thiên nhiên và dinh dưỡng vào năm 2011, món canh này hiện đã nhận được sự yêu thích bởi nhiều người trên toàn thế giới.
"Sự công nhận này không chỉ là một lời khen ngợi. Đó là sự tôn vinh di sản ẩm thực phong phú của chúng tôi và là lời mời gọi thế giới trải nghiệm hương vị độc đáo của Thái Lan", Bộ trưởng cho biết
Việc Tom yum kung được UNESCO công nhận là cơ hội để thúc đẩy sức mạnh mềm của Thái Lan. Bộ Văn hóa nước này đã lên kế hoạch đưa Tom yum kung vào các chương trình du lịch và quảng bá tại các hội nghị và sự kiện quốc tế được tổ chức tại Thái Lan. Ngoài Tom yum kung, Thái Lan còn 4 di sản nữa được UNESCO công nhận lần này bao gồm: múa mặt nạ Khon, múa Nora, massage Thái và lễ hội Songkran.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!