Đây là ý tưởng độc đáo nhằm giảm thiểu lượng rác thải thải ra môi trường.
Theo thống kê, chỉ tính riêng thủ đô Phnom Penh của Campuchia, mỗi ngày có khoảng 10 triệu bọc ni lông được sử dụng. Hậu quả là quốc gia Đông Nam Á này đang đối mặt với vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng.
Tính trung bình, một bà nội trợ ở Campuchia sử dụng khoảng 20 bọc ni lông mỗi tuần. Nếu tính trong 1 năm, con số này lên đến 2.000 chiếc, cao gấp 10 lần so với số lượng ở Liên minh châu Âu và Trung Quốc.
Ngoài túi ni lông, nhựa công nghiệp, nhựa sinh hoạt cũng đang xâm lấn các con kênh, rạch.
Phương pháp để giải quyết sự ô nhiễm này đã được thử nghiệm tại ngôi trường Dừa. Tại đây, những lớp học được trang trí đẹp mắt từ những ống hút nhựa; hàng loạt chai nhựa biến thành lọ trồng hoa. Vỏ chai bia, vỏ xe biến thành các bức tường chắc chắn của lớp học.
Anh Ouk Vanday - người sáng lập trường Dừa, Campuchia cho biết: "Tôi nảy ra ý tưởng này khi nhìn thấy rác thải ở khắp nơi. Tôi kêu gọi mọi người đưa rác cho tôi xây trường thay vì ném bừa bãi. Thông qua ngôi trường của mình, tôi muốn người dân địa phương thấy rằng rác thải vẫn có thể tái sử dụng".
Ngôi trường được coi là dụng cụ trực quan để giáo dục trẻ em không xả rác mà đem đi tái sử dụng. Chính vì thế, mô hình trường học tái chế này được kỳ vọng sẽ được nhân rộng ra khắp Campuchia, để trong tương lai giải quyết được nạn ô nhiễm, giúp bảo vệ môi trường.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.