Mẹo ứng phó với sự bướng bỉnh của trẻ lên 3

Lê Hằng-Thứ ba, ngày 22/01/2013 18:52 GMT+7

Khi trẻ tỏ ra bướng bỉnh và đối phó, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân tâm lý. (Ảnh:tinmoidoday.com)

Bướng bỉnh, hay giận dỗi, muốn tự mình làm mọi thứ và nếu không như ý thì sẽ ăn vạ. Đó là tâm lý thường thấy của trẻ nhỏ khi các bé ở độ tuổi lên 3, độ tuổi mà các chuyên gia tâm lý trẻ em gọi đó là “thời kì khủng hoảng” về tâm lý.

Sự thay đổi trong tâm lý ở độ tuổi lên 3 thực sự làm cha mẹ rất đau đầu, thậm chí gây ra căng thẳng trong gia đình. Các bậc cha mẹ cần trang bị cho mình những phương pháp, kỹ năng cần thiết cho việc dạy trẻ trong độ tuổi rất ương bướng này.

Đây là độ tuổi trẻ đã nhận thức được vị trí của bản thân, muốn khẳng định mình và muốn gây ảnh hưởng của mình lên người khác, vì vậy trẻ thường tỏ ra rất bướng bỉnh.

Khi hiểu được tâm lý này, cha mẹ cần có cách ứng xử phù hợp để việc kiểm soát của mình không gây ra tác dụng ngược đối với trẻ.

Chuyên gia Lưu Minh Hường, Viện nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người IPD đã chia sẻ những kỹ năng điều hòa mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái trong giai đoạn biến đổi tâm lý của trẻ. Theo đó:

Cha mẹ nên cho trẻ nhiều sự lựa chọn. Bé có thể lựa chọn con sẽ mặc bộ đồ này hay bộ đồ kia. Đưa ra những lựa chọn công bằng: Con sẽ thu đồ chơi luôn hay mẹ đếm đến 10 rồi con thu đồ chơi. Thông thường bé sẽ lựa chọn việc mẹ đếm đến 10 rồi mới thu đồ chơi, nhưng ít ra bé đã được lựa chọn. Điều này sẽ cho trẻ thấy cha mẹ đã tôn trọng sự lựa chọn của trẻ, tôn trọng cách suy nghĩ của trẻ.

Có một cách nữa để làm giảm bớt căng thẳng là khi trẻ tỏ ra bướng bỉnh và đối phó là lờ trẻ đi. Trong trường hợp cha mẹ bảo con không được xem ti vi nhiều quá và trẻ đòi xem cho bằng được, cha mẹ nên mang những đồ chơi khác ra cho trẻ, hướng sự chú ý của trẻ đi nơi khác.

Thông thường giữa cha mẹ và con cái xảy ra xung đột giữa việc chọn cái này hay chọn cái kia. Bản thân bố mẹ nghĩ việc đó tốt cho con cái, trong khi trẻ vì muốn khẳng định bản thân mình nên dù chưa xác định được việc đó tốt hay không vẫn muốn chống lại sự sắp đặt của bố mẹ.

Nhiều trường hợp, bố mẹ phải để cho con tự quyết định và sau đó sẽ ngồi phân tích xem hậu quả của việc lựa chọn đó, đúng vì sao, sai vì sao. Bên cạnh đó, cần cho con biết, khi con quyết định thì phải chịu trách nhiệm về quyết định đó, dĩ nhiên tránh những việc về sức khỏe và an toàn. Từ những việc như vậy sẽ cho em bé nhận thức bố mẹ luôn suy nghĩ đúng cho mình chứ không phải bố mẹ cố áp đặt cho mình.

Lý do dẫn tới việc trẻ chống đối, bướng bỉnh nhiều khi không phải do bản thân trẻ muốn như vậy. Có thể phụ thuộc vào việc bản thân trẻ có sức khỏe không tốt hay phải trải qua một cú sốc tâm lý không tốt mà bố mẹ không để ý tới.

Cú sốc có thể chỉ là việc mẹ mới sinh em bé, gia đình chuyển tới một nơi ở mới hay người giúp việc vừa mới nghỉ, hoặc chỉ là con vừa bị mất một món đồ chơi yêu thích… Những cú sốc nhỏ nhưng làm cho em bé cảm thấy khó hợp tác với người lớn hơn, bướng bỉnh và hay khóc lóc hơn.

Bố mẹ cần hiểu những thay đổi tâm lý của trẻ để tìm cách giải tỏa giúp con. Nếu trẻ đang ốm đau, buồn ngủ, đói… hãy thỏa mãn nhu cầu của trẻ trước. Cha mẹ không cần làm quá trầm trọng việc trẻ bướng bỉnh, nói không được lại quát tháo.

Tránh tuyệt đối việc đánh mắng con vì khi chúng ta làm như vậy có nghĩa dạy cho con quát tháo đánh mắng người khác, sẽ ảnh hưởng không tốt tới việc định hình nhân cách cho trẻ sau này.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước