VTV.vn - Vấn nạn ma túy ngày càng nhức nhối, số lượng vụ trọng án liên quan đến “ngáo đá” ngày càng tăng. Vậy tại sao người nghiện ma túy không bị coi là tội phạm?

Vấn nạn ma túy ngày càng nhức nhối, số lượng vụ trọng án liên quan đến "ngáo đá" ngày càng tăng. Vậy tại sao người nghiện ma túy không bị coi là tội phạm?

Liệu đã đến lúc một lần nữa coi người nghiện ma túy là tội phạm? - Ảnh 1.

Ma túy là vấn nạn từ lâu không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang chống lại quyết liệt. Thế nhưng, hiểm họa ma túy lại có dấu hiệu bùng nổ thời gian qua. Tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ chất ma túy với số lượng lớn, quy mô xuyên quốc gia, thủ đoạn và hoạt động hết sức tinh vi, gây bất an trong xã hội.

Nghị trường tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua đã không ít lần sôi sục vì vấn nạn ma túy. Dù Quốc hội không bàn về việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy tại kỳ họp lần này nhưng chủ đề này lại được các đại biểu liên tục đề cập đến. Cụ thể, trong các phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, cụm từ "ma túy" đã được các ĐBQH nhắc tới 88 lần. Đỉnh điểm là trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sáng 4/6, 2 chữ "ma túy" đã xuất hiện tới 268 lần. Những con số này đã thể hiện mức độ nóng bỏng của tệ nạn này khi nó ngày càng gia tăng và ảnh hưởng sâu rộng đến an ninh, trật tự xã hội.

Thế nhưng có một điều khiến nhiều người bất ngờ rằng người nghiện ma túy không được xem là tội phạm theo pháp luật Việt Nam hiện hành.

Liệu đã đến lúc một lần nữa coi người nghiện ma túy là tội phạm? - Ảnh 2.

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018) không coi người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy là tội phạm. Chỉ có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vẫn bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý hành chính. Theo Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Theo Khoản 4 Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính thì người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định là đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Thời hạn áp dụng từ 3 đến 6 tháng.

Còn theo Khoản 1 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính thì đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Thời hạn áp dụng từ 12 đến 24 tháng.

Trước đây, Điều 199 Bộ luật Hình sự năm 1999 từng quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị coi là tội phạm, sau đó Bộ luật này được sửa đổi, bổ sung đã loại bỏ tội danh này.

Như vậy, nghiện ma túy không bị coi là tội phạm, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chỉ bị xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Nhưng những quy định hiện hành này liệu đã đủ tính nghiêm khắc, răn đe và đảm bảo an toàn, an ninh cho toàn xã hội trước thực trạng báo động hiện nay?

Liệu đã đến lúc một lần nữa coi người nghiện ma túy là tội phạm? - Ảnh 3.

Những con số thống kê thời gian qua về tội phạm liên quan đến ma túy mà đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đưa ra trước Quốc hội khiến tất cả phải giật mình.

Trong quý I/2019, số vụ ma túy phá được lên tới hơn 6.500 vụ, lớn hơn cả năm 2018. Có những vụ án lớn như triệt phá tập đoàn ma túy, bắt giữ hơn 1,1 tấn ma túy đá tại Hồ Chí Minh; vụ hàng tấn ma túy đá bị vứt bên lề đường nhằm phi tang; riêng tháng 4/2019 chúng ta đã phát hiện hơn 6 tấn ma túy.

Mới đây, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã công bố phát hiện nhiều chất ma túy cực mạnh mới có ở Việt Nam. Theo đó, nhiều chất ma túy chưa có trong danh mục các chất ma túy theo Nghị định 73 của Chính phủ. Có những chất như metinphenildat, FUV144 có tác dụng gây ảo giác cực mạnh lần đầu tiên phát hiện ở nước ta. Đáng sợ hơn nữa, bằng thủ đoạn tinh vi, thủ phạm còn sử dụng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén để sau khi uống vào cơ thể viên nén giải phóng ra chất ma túy.

Nhiều đại biểu Quốc hội cảm thấy bàng hoàng khi số lượng ma túy buôn bán hiện nay không còn tính theo gam như trước đây mà lên tới hàng tấn, các chủng loại ma túy hết sức đa dạng, xuất hiện nhiều loại ma túy mới mà chưa kịp cập nhật để đưa vào diện xem xét, xử lý. Đối tượng sử dụng ma túy ngày càng nhiều, len lỏi trong nhiều tầng lớp xã hội, các tụ điểm quán bar, karaoke thậm chí là nhà nghỉ, khách sạn cũng trở thành nơi tổ chức sử dụng ma túy. Chưa bao giờ vấn nạn ma túy trở lên nghiêm trọng và đáng báo động như hiện nay.

Thống kê của Bộ Công an cũng cho thấy số người sử dụng ma túy vẫn đang tăng từng ngày, trong đó đặc biệt là ma túy tổng hợp – dạng ma túy mà người nghiện nguy cơ tử vong và còn gây nguy hiểm cho người khác. Trong khi đó, số tội phạm ma túy bị khởi tố cũng lên tới hàng chục ngàn vụ mỗi năm và chưa có dấu hiệu suy giảm.

Liệu đã đến lúc một lần nữa coi người nghiện ma túy là tội phạm? - Ảnh 4.

Vấn đề tội phạm do đối tượng tâm thần, ngáo đá gây ra cũng đang gây nhức nhối trong dư luận. Đây là vấn đề mới trong hoạt động của các loại tội phạm. Số vụ án những người tâm thần, sử dụng ma túy dẫn đến ngáo đá có tăng lên trong thời gian qua. Điểm chung của các vụ án này là sự việc diễn ra bất ngờ, không thể lường trước được, đối tượng hành vi gây án thường có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng thân thiết với nạn nhân như con giết cha, mẹ; anh, chị, em giết nhau; vợ giết chồng v.v... Qua khảo sát, người bị bệnh tâm thần có khả năng gây án cao khoảng 6 - 7 lần người bình thường, tập trung ở dạng tâm thần phân liệt, tâm thần hoang tưởng, tâm thần trầm cảm.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng) bày tỏ bức xúc trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội: "Tác hại của ma túy dường như ai cũng biết nhưng tại sao thời gian gần đây tình hình buôn bán, sử dụng ma túy lại gia tăng và diễn biến phức tạp như vậy".

Liệu đã đến lúc một lần nữa coi người nghiện ma túy là tội phạm? - Ảnh 5.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng)

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã nhấn mạnh về mức độ nguy hiểm của các loại tội phạm liên quan đến ma túy: "Chúng tôi thấy tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. Từ tội phạm ma túy sẽ nảy sinh ra trộm cắp, cướp của, thậm chí giết người, cướp của cũng là từ ma túy, buôn bán ma túy. Chúng tôi lượng tính được nếu mỗi bánh heroin lọt được vào Việt Nam thì khoảng 10 gia đình có người đi tù, có người vi phạm pháp luật, từ vận chuyển, mua bán. Đã nghiện ma túy còn nảy sinh ra các loại tội phạm khác nên tội phạm ma túy là tội phạm hết sức nguy hiểm".

Nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra rõ những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng đáng buồn trên. Trong đó nguyên nhân quan trọng nhất chính là do sự thay đổi trong quy định của pháp luật về hình sự, chúng ta không còn xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Khi người sử dụng ma túy không phải là tội phạm, thủ tục đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, nhất là đối tượng đưa vào trại cai nghiện ma túy rất rườm rà, phức tạp, khó thực hiện.

Việc xử lý hành chính đối với hành vi sử dụng chất ma túy hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thực hiện theo trình tự thủ tục quá chặt chẽ và mất nhiều thời gian. Điều này dẫn đến việc xử lý chậm trễ, đối tượng vẫn sống trong cộng đồng và gây nguy hiểm cho xã hội.

Từ đó, rõ ràng khi nhìn nhận tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm trong bối cảnh hiện nay, rất cần thiết phải xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Liệu đã đến lúc một lần nữa coi người nghiện ma túy là tội phạm? - Ảnh 6.

Không thể phủ nhận rằng, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy và đã dành nhiều nguồn lực cho công tác này. Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy với những hình phạt hết sức nghiêm khắc. Trong số 13 hình phạt đó thì 9/13 tội danh hình phạt về ma túy có khung hình phạt cao nhất là chung thân và tử hình.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, Chính phủ cũng đã có kế hoạch triển khai phòng, chống ma túy và các lực lượng liên quan về phòng, chống ma túy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có sự phối hợp và vào cuộc chặt chẽ với nhau trong công tác đấu tranh, xử lý những vấn đề liên quan đến tội phạm ma túy. Các ngành đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch công tác và quy chế phối hợp trong giải quyết vấn đề ma túy, đặc biệt là công tác hợp tác quốc tế với các nước trong phòng, chống ma túy cũng đạt được những vấn đề rất trọng tâm. Qua đó phải khẳng định rằng, sự chỉ đạo và sự quyết liệt vào cuộc của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội, các ngành và nhân dân đối với công tác phòng chống ma túy là rất quyết liệt trong thời gian qua.

Liệu đã đến lúc một lần nữa coi người nghiện ma túy là tội phạm? - Ảnh 7.

Tuy nhiên, hiện nay có những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, trong đó quy định người sử dụng ma túy không phải tội phạm bị xử lý hình sự theo Điều 199 của Bộ luật Hình sự trước bây giờ đã bỏ ra ngoài, gián tiếp gây ra sự phức tạp khi xử lý với đối tượng này.

Liệu đã đến lúc một lần nữa coi người nghiện ma túy là tội phạm? - Ảnh 8.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Phát biểu tại kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh sẽ sẽ tổng kết và đề nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy của Quốc hội, trong đó có quy định về tội sử dụng trái phép chất ma túy: "Thậm chí, có lúc chúng ta phải khôi phục lại Điều 199 của Bộ luật Hình sự năm 2009 về tội sử dụng trái phép chất ma túy. Sử dụng thì không bị xem xét xử lý về hình sự. Chúng tôi cho rằng đây là một vấn đề cần phải tổng kết để đánh giá vì đã sử dụng ma túy và quản lý người nghiện ở cơ sở và xử lý những tội phạm này thì đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng".

Về lộ trình nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính về xử lý tội phạm này, Bộ Công an đang báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội lộ trình sẽ xây dựng vào năm 2020. Kế hoạch sẽ đưa ra tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, dự kiến thông qua sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 đầu năm 2021.

Vấn đề quản lý và không được phát triển người nghiện, không để mọi người tiếp tục sử dụng ma túy là mục tiêu vô cùng quan trọng bởi từ tội phạm ma túy sẽ nảy sinh các tội phạm khác.

Hiện nay các đối tượng rất lợi dụng việc này, nếu muốn tiêu thụ lượng ma túy vào trong nước thì phải đưa lượng người nghiện tăng lên, tăng nhu cầu trong nước. Do đó, chúng ta phải tìm mọi cách giảm nhu cầu đó, có cách quyết liệt để đấu tranh với tội phạm này.

Việc xem xét khôi phục lại quy định về tội sử dụng trái phép chất ma túy là nhu cầu bức thiết để tạo điều kiện thuận lợi để quản lý và xử lý người nghiện, qua đó dẹp bỏ những nỗi nhức nhối, hiểm họa trong xã hội liên quan đến 2 chữ "ma túy".


Tạ Hiển
Duy Nguyễn
05/07/2019


X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước