Đây là lễ hội truyền thống của ngư dân địa phương đã được hình thành trên 200 năm, gắn kết với quá trình lập làng, hình thành nét đặc trưng rất riêng ở Bình Định. Lễ hội được tổ chức từ mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, theo nghi lễ cổ truyền, gồm: Lễ nghinh thần Nam Hải, lễ tỉnh sinh, tế cầu quốc thái dân an, ngư dân ra khơi bình an, đánh bắt hải sản được mùa... Ngoài phần lễ, phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: biểu diễn bả trạo, hát bội, chèo thuyền, bơi thúng, đánh bài chòi và các trò chơi dân gian khác.
Hát bả trạo tại Lễ hội cầu ngư
Nhiều năm qua, Lễ hội đã trở thành địa chỉ tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm về quá trình hình thành, phát triển mô hình vạn chài gắn với các hoạt động đánh bắt, chế biến hải sản với các tiết lễ cổ truyền diễn ra hàng năm. Đây là không gian di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng, tiêu biểu về loại hình lễ hội truyền thống với nét đặc sắc là nghi thức tế lễ, hát múa bả trạo, sinh hoạt bài chòi.
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Ngọc, Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý không chỉ đem lại giá trị văn hóa mà còn gắn với một trong những địa danh điểm du lịch nổi tiếng ở Bình Định, đặc biệt là Kỳ Co. Những câu chuyện dân gian ghi lại từ xưa đến nay là chiếc cầu nối giữa nhiều nét văn hóa biển đảo từ các thế hệ ngư dân vạn chài cổ Xương Lý trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!