Ảnh minh họa.
Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, theo phong tục cổ truyền của người Việt, các gia đình thường làm lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo lên trầu Trời. Đây được coi là ngày lễ quan trọng, mở đầu cho Tết Nguyên đán cho người Việt.
Mỗi gia đình đều cố gắng chu toàn sửa soạn để thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ đối với vị thần cai quản việc phúc đức trong nhà.
Theo truyền thuyết của người Việt, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị thần trông coi việc bếp núc. Ông Công, ông Táo được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian để theo dõi và ghi chép việc làm thiện, ác của con người. Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị thần Táo là những vị thần định đoạt cát, hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Thế nên, ông Công ông Táo là dịp để mỗi người tổng kết lại một năm qua, nhìn lại những việc được – mất trong một năm.
Với nhiều người, dù không có điều kiện sắm sửa đồ đắt tiền nhưng tâm thức hướng về tổ tiên, truyền thống tốt đẹp trong nghi lễ thờ cúng Táo quân mới là điều quan trọng nhất. Mỗi nghi thức trong cúng ông Công, ông Táo đều ẩn chứa những thông điệp nhân văn và cả khát vọng vươn tới thành công, hạnh phúc. Nghi lễ không rườm rà nhưng vẫn phải chỉn chu, đúng với phong tục tập quán từng vùng.
"Dâng lễ cho thần linh, cho bàn thờ gia tiên dù trong đạo nào, tôn giáo nào cũng thế, đời nào cũng vậy không cốt ở mâm cao cỗ đầy, nhiều món đủ món hay đồ vật đắt tiền, mà là ở tâm thức, lòng thành của chúng ta đến với gia tiền, thần phật một cách thánh thiện nhất. Đó cũng chính là lễ vật cao quý nhất, vô giá đối với đấng tạo hóa, gia tiên…", GS.TS Phạm Hồng Tung – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ở các miền có khác nhau một chút. Ngoài mâm cỗ cúng, người miền Bắc thường cúng cá chép sống, người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Ở miền Nam thì đơn giản hơn, người dân thường chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy. Trước khi làm cỗ cúng, các gia đình nên dọn dẹp nhà cửa, ban thờ cho gọn gàng, sạch sẽ.
Dười đây là gợi ý mâm cỗ cúng ông Công ông Táo 2021 chi tiết:
- Đĩa gạo
- Đĩa muối
- Lạng thịt vai luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng
- Con cá chép sống
- Bát canh mọc hoặc canh măng
- Đĩa xào thập cẩm
- Đĩa giò
- Đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng
- Đĩa trái cây ngũ quả
- Ấm trà sen
- Chén rượu
- Quả cau, lá trầu
- Lọ hoa (số lượng bông là số lẻ)
- Tập giấy tiền, vàng mã
Theo tục xưa, đối với những gia đình có trẻ nhỏ, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc. Gà này phải là loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện và gia cảnh, mỗi gia đình có thể chuẩn bị lễ cúng ông Công, ông Táo phù hợp.
Bên cạnh đó tín ngưỡng dân gian còn dâng cúng cá chép sống - vật để Táo quân cưỡi về trời. Khi làm lễ cúng xong người dân phóng sinh cá chép.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!