Làng làm ông Công, ông Táo ở Huế đỏ lửa mùa Tết

Nguyễn Trọng-Thứ ba, ngày 14/01/2025 05:58 GMT+7

Các lò nung ở làng Địa Linh luôn đỏ lửa xuyên suốt những tháng cuối năm.

VTV.vn - Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, làng Địa Linh (phường Hương Vinh, TP. Huế) khoác lên mình nhịp sống sôi động hiếm có.

Giữ lửa nghề truyền thống

Nép mình bên dòng sông Hương thơ mộng, làng Địa Linh từ lâu đã được biết đến là "cái nôi" của nghề làm ông Công, ông Táo tại xứ Huế. Nghề này ngay chính những người thợ già cỗi trong làng cũng không biết nó xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết rằng, qua bao thăng trầm của lịch sử, những bức tượng ông Táo vẫn được bàn tay tài hoa của người dân nơi đây thổi hồn, trở thành biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt vào mỗi dịp 23 tháng Chạp.

Làng làm ông Công, ông Táo ở Huế rực lửa mùa Tết - Ảnh 1.

Đất sau khi đem về sẽ được cắt thành từng lớp để loại bỏ những tạp chất để tượng làm ra mịn, đẹp.

"Nghề này cha ông để lại, không chỉ là miếng cơm manh áo mà còn là niềm tự hào lớn. Làm tượng ông Công, ông Táo không chỉ là tạo ra sản phẩm mà còn là giữ gìn nét văn hóa dân gian" ông Võ Văn Nhật, một người làm nghề lâu năm trong làng chia sẻ.

Làng làm ông Công, ông Táo ở Huế rực lửa mùa Tết - Ảnh 2.

Đất sét là nguyên liệu chính để làm nên tượng ông Táo được lấy từ vùng đồng bãi ven sông, nơi đất mịn và giàu dinh dưỡng.

Đất sét là nguyên liệu chính để làm nên tượng ông Táo được lấy từ vùng đồng bãi ven sông, nơi đất mịn và giàu dinh dưỡng. Đất được lọc sạch, nhào nhuyễn, sau đó ép vào khuôn gỗ khắc hình ông Táo rồi đem đi phơi khô.

Sau khi phơi khô, tượng được nung trong lò từ 2 đến 3 ngày ở nhiệt độ cao. Công đoạn cuối cùng là tô màu, vẽ chi tiết, và rắc thêm kim tuyến để sản phẩm thêm bắt mắt.

Làng làm ông Công, ông Táo ở Huế rực lửa mùa Tết - Ảnh 3.

Tượng ông Công, ông Táo ngày xưa được làm đơn giản hơn, nhiều người dân vẫn có thói quen dùng những tượng này vào dịp 23 tháng Chạp.

Vào những ngày này, nhiều gia đình tại làng Địa Linh không phút nào ngơi nghỉ, mỗi gia đình nhỏ như một xưởng sản xuất khổng lồ, từ già đến trẻ đều tham gia vào công việc. Những bàn tay khéo léo thoăn thoắt nhào đất, ép khuôn, trong khi các lò nung cháy đỏ ngày đêm.

Làng làm ông Công, ông Táo ở Huế rực lửa mùa Tết - Ảnh 4.

Sau khi đúc tượng sẽ đem đi nung khoảng 2-3 ngày cho tượng khô ráo.

"Ngày thường thì ít việc, nhưng đến tháng Chạp là nhà nào cũng làm không kịp nghỉ. Tượng ông Công, ông Táo được đặt mua khắp nơi, từ Huế, Đà Nẵng cho đến các tỉnh xa như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, nhà tôi phải làm vài trăm tượng mới đủ cung cấp," ông Nhật cho biết thêm.

Những chiếc xe tải nhỏ chở đầy tượng xếp hàng dài trước cổng làng, mang theo hơi ấm và linh hồn của làng Địa Linh đi khắp mọi miền đất nước. Mỗi tượng được bán buôn với giá từ 2.000 đến 3.000 đồng, nhưng ra thị trường có thể lên tới 10.000 – 15.000 đồng.

Tượng ông Táo và văn hóa tín ngưỡng người Việt

Ngày 23 tháng Chạp, theo quan niệm dân gian, là thời điểm Táo Quân cưỡi cá chép về trời để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong gia đình suốt một năm qua. Đây là dịp người Việt tỏ lòng biết ơn đến vị thần bếp núc, cầu mong sự ấm no, đủ đầy trong năm mới.

Làng làm ông Công, ông Táo ở Huế rực lửa mùa Tết - Ảnh 5.

Các màu sắc cơ bản trên tượng của ông Công, ông Táo.

Bàn thờ ông Táo thường được chuẩn bị chu đáo với mâm cỗ gồm hoa quả, bánh kẹo, vàng mã và không thể thiếu ba tượng ông Công, ông Táo bằng đất nung. Các tượng này được thay mới hàng năm, thể hiện lòng thành kính và mong muốn "gửi đi" những điều không may để đón nhận những điều tốt đẹp hơn.

Dù có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, nghề làm tượng ông Táo ở Địa Linh đang đối mặt với không ít khó khăn. Sự cạnh tranh từ các sản phẩm công nghiệp, sự biến đổi trong thói quen tiêu dùng khiến nghề truyền thống này dần mai một.

Làng làm ông Công, ông Táo ở Huế rực lửa mùa Tết - Ảnh 6.

Vẽ tượng và rắc kim tuyến là bước cuối cùng để đưa ra thị trường.

"Lớp trẻ bây giờ ít ai muốn theo nghề. Thu nhập không cao, công việc lại vất vả. Có lẽ sau khi lớp già không còn khả năng làm nghề, nghề này sẽ chỉ còn trong ký ức" ông Võ Văn Nam, người có kinh nghiệm gần 50 năm làm nghề ông Công, ông Táo tại làng Địa Linh trăn trở.

Làng làm ông Công, ông Táo ở Huế rực lửa mùa Tết - Ảnh 7.

Tượng ông Công, ông Táo thành phẩm.

Giữa nhịp sống hiện đại, khi nhiều phong tục dần mai một, việc giữ gìn nghề làm tượng ông Táo ở làng Địa Linh không chỉ là bảo tồn một nghề mà còn là giữ hồn cho văn hóa Việt. Và mỗi mùa Tết đến, trong những ngôi nhà khắp đất nước, hình ảnh ông Táo nghiêm trang trên bàn thờ sẽ mãi là minh chứng cho sức sống trường tồn của một truyền thống đáng quý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước