Từ những cánh đồng nước lợ, cây lác mọc lên với sự cứng cáp hiếm thấy ở một loài thân mềm. Sợi lác đã hiện diện và tồn tại trong mỗi gia đình Việt từ hàng trăm năm nay. Từ những cánh đồng lác ở tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, các thân lác tròn, trắng và đều ngọn đã được di cư về Bến Lác của làng chiếu Định Yên (huyện lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), chờ các tay thợ làm ra những tấm chiếu bền đẹp.
Dù giá cả còn bấp bênh, tiền lãi ngày càng ít, những ghe lác vẫn đều đặn về bến để kịp thời cung ứng nguyên liệu cho làng chiếu. Từ đây, những sợi lác mỏng manh bước vào hành trình mới, lột xác trở thành những sản phẩm mang tên chiếu Định Yên.
Mỗi ngày một người thợ có thể dệt được khoảng 10 chiếc chiếu với thu nhập khoảng 80.000 đồng tiền công, số tiền không nhiều nhưng ổn định đối với lao động nông thôn vào những ngày nông nhàn, nhất là phụ nữ nông thôn. Với hơn 600 máy dệt của 4 ấp tại xã Định Yên, làng nghề chiếu đã được cơ giới hóa. Diện mạo công nghiệp đã không làm mai một vẻ đẹp truyền thống, ngược lại càng đưa nghề chiếu trở về thời hoàng kim.
Tại làng chiếu, những con đường trải màu là bản sắc của Định Yên. Chính vì vậy, mỗi khi thăm làng chiếu, du khách thường "bỏ túi" mang về nhiều phóng sự ảnh thể hiện nét đẹp lao động ở đây, từng công đoạn người thợ chăm chút cho sợi lác. Người dân ở làng chiếu Định Yên luôn vui vẻ, tin tưởng bám nghề vì làng chiếu vẫn tồn tại, sợi lác vẫn đóng vai trò quan trọng đối với nghề làm chiếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!