Nói đến làm bánh chưng, người dân Tranh Khúc không khỏi tự hào về nghề truyền thống làm bánh vừa ngon vừa đẹp của mình. Chị Lê Thị Mai, một thành viên của gia đình có nhiều thế hệ làm nghề gói bánh chưng từ rất lâu đời cho biết, để có một chiếc bánh chưng vừa ngon, đẹp mắt cần phải chuẩn bị các nguyên liệu một cách rất tỉ mỉ và cẩn thận.
Theo chị, bánh chưng Tranh Khúc có điểm khác so với các làng bánh chưng khác là thổi đỗ chín đánh nhuyễn ra thì làm mới ngon, các làng khác làm đậu sống. Làng làm bánh chưng quanh năm, dịp tết từ 24, 25 âm lịch làm từ 1000 -2000 chiếc bánh 1 ngày. Chị Mai cho biết cũng không có bí quyết gì đặc biệt, chỉ là gói tay và lựa cho bánh vuông thành.
Cũng theo chị Mai, bí quyết làm bánh chưng của làng không có gì đặc biệt, cũng từ các nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn gói trong lá dong. Tuy nhiên, để bánh chưng vừa dền, vừa đẹp mắt thì ngay từ khâu chọn lá, chọn gạo, chọn đậu phải rất có nghề. Chẳng hạn như việc chọn số lượng lá phải xem thời tiết. Gạo nếp làm bánh có rất nhiều loại: Gạo Bắc Ninh, gạo của dân tộc Thái, nhưng nếu chọn loại nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu là ngon nhất. Trước khi gói bánh, chỉ cần vo sạch gạo trước một giờ để ráo, chứ không nên ngâm gạo qua đêm. Vì như thế gạo sẽ hút nước, nở hết cỡ, khi gói bánh sẽ không được chặt và còn làm bánh nhanh chua. Bánh chưng muốn ngon, ngậy một phần cũng do thịt lợn, thường là loại thịt ba chỉ. Thịt lợn được trần qua nước nóng trước khi thái miếng sau đó mới ướp. Bánh phải gói chặt tay, buộc chặt rồi luộc 8-10 tiếng.
Bánh chưng Tranh Khúc vừa rền vừa đẹp nên đã theo chân người tiêu dùng đến khắp mọi miền đất nước và trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Khoảng chục năm trở lại đây, khi người dân thành phố bận bịu với cuộc sống hiện đại không còn có thói quen gói bánh chưng vào dịp tết nữa thì nhu cầu tiêu thụ bánh chưng ngày ngày càng tăng cao. Cũng chính vì thế, người dân Tranh Khúc có cơ hội phất lên nhờ nghề gói bánh chưng truyền thống.
Bánh chưng tự bao đời nay đã là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của người Việt Nam. Theo truyền thuyết, bánh chưng bánh dày có từ thời Vua Hùng Vương thứ 6. Vua muốn truyền ngôi cho con bằng cách lựa chọn “Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ có ý nghĩa thì truyền ngôi cho”. Các con trai đua nhau kiếm của ngon vật lạ. Người con trai thứ 18 của Hùng Vương thứ 6 là Lang Lèo tính tình thuần hậu, chí hiếu, nằm mơ thấy Thần Đèn bảo: “Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng cho Trời, Đất, lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”. Và sau đó ông đã được phong làm vua.
Kể từ đó, mỗi độ tết đến xuân về gia đình con cháu lại tụ họp quây quần bên nồi bánh chưng xanh ấm áp và tràn ngập tình yêu thương. Tuy nhiên cuộc sống hiện tại đã có nhiều thay đổi. Nhiều người đã không có đủ thời gian để có thể tự gói bánh chưng cho gia đình mình và những khoảnh khắc thời gian bên nhau cũng ít dần đi. Song, những chiếc bánh chưng vẫn không thiếu vắng trên bàn thờ tổ tiên, trong mâm cỗ sum vầy ngày Tết. Bánh chưng vẫn giữ nguyên sức sống và ý nghĩa của nó trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.