Làm gì để ngăn chặn ước mơ… chết của trẻ?

Mai Chi-Thứ năm, ngày 07/11/2013 00:33 GMT+7

 Tần suất gia tăng đáng kể những vụ tự tử của trẻ vị thành niên trong thời gian gần đây đã khiến cộng đồng bàng hoàng, xót xa và đặc biệt gây nên tâm lý lo ngại cho những bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi mới lớn.  Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng đau lòng này và làm thế nào để trẻ không nảy sinh ước mơ… dại dột?

Sự giật mình của người lớn

Hội chứng tự tử ở trẻ vị thành niên đã gióng lên hồi chuông báo động. Những lý do dẫn đến cái chết đều gây bất ngờ, thảng thốt cho không chỉ những người trong cuộc có liên quan trực tiếp mà còn rúng động toàn xã hội. Các em coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Một em gái ở thành phố Hồ Chí Minh vì bị mọi người chế giễu vì béo quá mà tìm đến cái chết; một cậu trai 15 tuổi ở Bến Tre bỏ nhà đi bụi ba ngày sợ bố mẹ la mắng đã mua thuốc diệt cỏ uống; một nữ sinh lớp 12 ở Thái Bình vì phản ứng hình phạt của cô giáo mà tìm đến cái chết trong tích tắc; hay mới đây nhất, ba học sinh lớp 7 trường THCS Phan Chu Trinh (Đắk Nông) đã cùng nhau tìm đến cái chết vì gặp phải những chuyện buồn gia đình…

‘ Một gia đình không hạnh phúc thường khiến trẻ nghĩ đến cái chết

Trong bài viết Cái chết có gì lôi cuốn thế, tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng đây là hồi chuông cảnh tỉnh cả xã hội phải nhìn nhận lại việc giáo dục trẻ, hoặc nói rộng hơn, là phải đấu tranh để thay đổi cả tư tưởng của những bậc làm cha mẹ, những người lớn - cách nhìn của họ về việc học tập của con cái, quan niệm về sự thành đạt trong xã hội…

Làm gì để ngăn chặn ước mơ… chết của trẻ

Năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra một danh mục gồm 800 nguyên nhân dẫn đến việc con người tự kết liễu đời mình. Ở nước ta cũng đã có những hội thảo nóng về hội chứng tự tử ở trẻ vị thành niên. Một trong những đúc kết từ các chuyên gia tâm lý là không chỉ các em nhỏ thiếu kỹ năng sống, không có khả năng chống đỡ dù chỉ là một biến cố nhỏ mà điều đáng tiếc hơn là chính các bậc phụ huynh cũng thiếu kỹ năng dạy dỗ, quan tâm, chăm sóc đời sống tâm lý, tình cảm của con cái. Trẻ vị thành niên tự tử vì cảm thấy không được gia đình thấu hiểu. Các em cảm thấy cô đơn, không có người để tâm sự trong khi cha mẹ bận lo toan những công việc của người lớn suốt cả ngày.

‘ Đừng để con trẻ bị cô đơn , không được thấu hiểu

Khi trẻ cảm thấy không ai quan tâm đến cảm xúc của mình, trong tình trạng tinh thần suy sụp đó, chỉ cần một sự trách móc nhỏ từ phía gia đình hay nhà trường là đủ làm cho trẻ quyết định tự tử. Theo tiến sỹ Trần Thu Hương - giảng viên khoa Tâm lý học, ĐH KHXH&NV thì những xung đột dẫn đến ý định tự tử ở trẻ vị thành niên xảy ra trong hai môi trường chính của các em là gia đình và trường học. Do vậy, các bậc làm cha làm mẹ và các thầy cô giáo phải thực sự trang bị đầy đủ kiến thức về sự phát triển tâm lý của các em ở lứa tuổi này để có thể thấu hiểu trẻ, hạn chế xung đột.

Hãy làm bạn với con

Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý xã hội thế giới thì người có tôn giáo, đức tin thường ít phải tìm đến cái chết hơn những người khác. Điều đó có nghĩa để thoát cái chết trước những cú sốc, những cơn sang trấn tâm lý con người cần một niềm tin để bấu víu. Nhiều khi đó chỉ là một niềm tin vững chắc rằng, mình có một hậu phương vững chắc về mặt tinh thần - gia đình của mình, người thân của mình.

Với kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như sự chiêm nghiệm từ cuộc sống, tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh tin tưởng rằng: nếu các bậc làm cha mẹ từ nhỏ cho con nhận thức được trong cuộc đời mỗi người sẽ có cả thành công lẫn thất bại. Nếu chẳng may con thất bại, thì bố mẹ vẫn yêu con như thế, giá trị của con đối với bố mẹ vẫn không thay đổi… thì hẳn những tình huống đáng tiếc đã không xảy ra.

Tuy nhiên, trên thực tế thì trẻ vị thành niên đang phải chịu nhiều áp lực từ chuyện học hành, thi cử. Hơn nữa, tuổi mới lớn tâm sinh lý phát triển mạnh mẽ, rất dễ bị ngoại cảnh tác động, làm sang trấn, tổn thương. Mà những nỗi niềm sâu kín đó, các em thường giấu kín trong lòng hoặc giả chỉ tâm sự với bạn bè thân thiết. Nếu như cha mẹ thấu hiểu con cái, trở thành người bạn thân đáng tin cậy để con cởi lòng thì quả là lý tưởng. Giảng viên tâm lý học Trần Thu Hương cho rằng các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi thành niên nên trang bị những kiến thức về lứa tuổi này qua sách báo, mạng internet để tìm ra được những phương pháp giáo dục con tối ưu, hướng con đến những giá trị sống tốt đẹp nhất.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước