Tiếng khèn, điệu múa là hồn cốt, được hình thành và phát triển cùng đời sống. Đó là quan niệm của đồng bào Mông từ bao đời nay. Cây khèn đã trở thành một yếu tố quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con.
Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp với phát triển du lịch, năm 2020, câu lạc bộ khèn Mông bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường được thành lập với 22 thành viên, sinh hoạt đều đặn hàng tuần. Mỗi thành viên ở các lứa tuổi khác nhau nhưng họ có chung một niềm đam mê với tiếng khèn và những điệu múa của dân tộc mình. Tại đây, thành viên được thể hiện, giao lưu, chia sẻ cùng nhau gìn giữ những điệu khèn còn được lưu truyền trong dân gian.
Anh Chang A Cường (Bản Chin Chu Chải, xã Nùng Nàng, Tam Đường, Lai Châu) cho biết: "Câu lạc bộ khèn Mông tạo sân chơi, lưu giữ tiếng khèn của đồng bào Mông chúng tôi".
Đồng bào dân tộc Mông ở Lai Châu cư trú chủ yếu tại các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè và Tam Đường. Cũng như các dân tộc khác, trong quá trình lao động sản xuất, đồng bào Mông đã chế tạo ra nhiều loại nhạc cụ phục vụ đời sống tinh thần của mình. Trong đó, khèn là nhạc cụ độc đáo, đặc trưng gắn với văn hóa, đời sống của người Mông. Tiếng Khèn được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh, không gian khác nhau.
Ông Hảng A Nhà (Phó Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng, Tam Đường, Lai Châu) cho biết: "Chúng tôi nỗ lực tuyên truyền, giữ gìn tiếng khèn Mông….".
Có thể thấy, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mông luôn được huyện Tam Đường chú trọng quan tâm. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào về di sản văn hóa tốt đẹp để chính họ tự nguyện tham gia gìn giữ, xây dựng và phát triển các di sản văn hóa của dân tộc mình, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!