6h30, loa đài ở khắp nơi trong thành phố cũng đã thông báo rằng “cuộc chiến tranh phá hoại toàn diện Việt Nam của quân đội Mỹ đã dừng lại hoàn toàn”. Các sạp báo sáng ngày 16 cũng không hề thay đổi gì so với thường ngày. Còn triển lãm ảnh về chiến tranh tại miền Nam Việt Nam cũng đã cho thấy một ý chí thống nhất của Hà Nội với những khẩu hiệu như “Miền Nam đoàn kết thống nhất, cùng đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược”. Người dân Hà Nội đều khẳng định rằng sẽ đoàn kết để “Nâng cao cảnh giác, toàn diện thống nhất hai miền”.
Đoạn tin ngắn gọn của phóng viên truyền hình Nhật Bản thường trú tại Hà Nội năm 1973, ở thời điểm đó, có lẽ sẽ là nhạt nhòa với hàng nghìn tin tức thời sự mà công chúng Nhật Bản tiếp nhận. Nhưng với người dân Hà Nội, với người dân Việt Nam, đó lại là thành quả to lớn và tự hào sau nhiều năm kiên cường trong cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ. Cuộc chiến mà Washington ngay từ đầu đã định rõ là nhằm mục đích phá hoại và hủy diệt.
Chính trong những ngày tháng quan trọng đó, một đoàn đại biểu từ Ủy ban Nhật Bản hỗ trợ nhân dân Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nhật đã thăm Hà Nội từ ngày 13 đến ngày 20 tháng 1/1973. Bốn đại biểu gồm hạ nghị sĩ, giáo sư, kiến trúc sư đã tận mắt đến chứng kiến các dấu tích những cuộc ném bom trong thành phố. Họ đặt câu hỏi về ý chí của người dân Việt Nam, sau những tàn phá khốc liệt mà chính Nhật Bản là đất nước đã từng trải qua với Hiroshima và Nagasaki. Và đây là câu trả lời.
“Ngày 23 tại Paris, cuộc họp bí mật về hòa bình tại Việt Nam đã thu hút sự chú ý của cả thể giới. Ngày 24 là lễ ký tắt, ngày 27 là lễ ký kết chính thức và nội dung của hiệp định cũng được công bố. Trong khi đó, mặc dù lễ ký kết Hiệp định hòa bình được các báo đài đưa tin nhiều nhưng không khí tại Thủ đô Hà Nội thuộc miền Bắc Việt Nam vẫn không có gì khác ngày thường”.
Đây là nội dung đoạn tin mà các phóng viên truyền hình Nhật Bản gửi về từ Hà Nội ngày 24/1/1973. Khói bom vẫn vương vất trên bầu trời Hà Nội, nhưng trong thành phố, không khí Tết đã đến rất gần. Một cái Tết yên bình sau nhiều năm bom đạn.
Nếu như có gì đó thay đổi thì đó là 1 tuần sau 15/1/1973 - ngày kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình, trẻ em vẫn chưa quay trở về Hà Nội, là tiếng khôi phục các hầm ngầm, tiếng người xì xào tại chợ và các khu mậu dịch những ngày giáp Tết, là đôi chút những trang trí cho đường phố đón năm mới”.