Cá mú bông Thái Bình Dương vẫn thường được ưu ái với danh hiệu một trong những loài cá có cái miệng “đẹp nhất” trong tự nhiên với khoảng 555 chiếc răng xếp thành 2 hàm. Mới đây, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bên cạnh số lượng răng đáng kinh ngạc, tốc độ rụng răng của loài cá này cũng ấn tượng không kém, lên tới khoảng 20 chiếc một ngày.
Cá mú bông Thái Bình Dương là một loài cá săn mồi được tìm thấy ở phía bắc khu vực đại dương này. Khi trưởng thành, chiều dài trung bình của loài rơi vào khoảng 50cm nhưng đặc biệt một số cá thể có thể chạm tới mốc 1,5 mét. Karly Cohen – tác giả cấp cao của nghiên cứu, tiến sĩ Sinh học tại Đại học Washington cho biết: “Mọi bề mặt xương trong miệng của cá mú bông Thái Bình Dương đều được bao phủ bởi răng” và đây là một loài cá lý tưởng để nghiên cứu.
Thay vì răng cửa, răng hàm và răng nanh như chúng ta vẫn thường thấy, loài cá này lại có tới hàng trăm chiếc răng sắc nhọn, siêu nhỏ trên hàm. Vòm miệng cứng của chúng cũng được bao phủ bởi hàng trăm chiếc răng siêu nhỏ khác. Sau bộ hàm chính, cá mú bông Thái Bình Dương lại có thêm một bộ hàm phụ, được gọi là hàm yết hầu để nhai thức ăn.
Vì răng của một loài động vật có thể tiết lộ về con mồi yêu thích và cách thức ăn uống, với bộ răng ấn tượng của mình, cá mú bông Thái Bình Dương được Cohen cho là “hiện vật phong phú nhất trong bảng kỷ lục về xương”.
Để tìm kiếm số lượng răng trung bình bị rụng mỗi ngày của loài cá này, Cohen và đồng tác giả Emily Carr – sinh viên Sinh học tại Đại học Nam Florida đã nuôi 20 con cá mú bông Thái Bình Dương ở trong phòng thí nghiệm. Vì kích thước răng quá nhỏ, việc tìm ra số lượng bị rụng mỗi ngày không chỉ đơn giản là quét số răng đó ra khỏi bể cá.
Các tác giả đã tiến hành đặt những cá thể nghiên cứu vào một bể chứa đầy thuốc nhuộm màu đỏ loãng để nhuộm màu đỏ cho răng. Ít lâu sau đó, những con cá lại được chuyển sang một bể chứa đầy thuốc nhuộm màu xanh lục huỳnh quang để nhuộm răng thêm một lần nữa. Cuối cùng, Carr đặt tất cả các xương răng dưới kính hiển vi trong một phòng thí nghiệm tối và tính toán tỉ lệ răng màu đỏ so với răng màu xanh.
Với cách tiến hành trên, các tác giả đã phát hiện ra rằng cá mú Thái Bình Dương mất khoảng 20 chiếc răng mỗi ngày. Đồng thời, họ cũng phát hiện rằng răng ở hàm trong của cá bị rụng nhiều hơn so với các bộ phận khác. Mục tiêu tiếp theo của nghiên cứu là tìm ra nguyên nhân cho sự rụng răng không đều này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!