Bước vào thời đại 4.0, smartphone trở thành vật bất li thân của rất nhiều người, đặc biệt với những ai có niềm đam mê xê dịch. Họ dần tiếp cận nhiều hơn với thói quen tìm kiếm trực tuyến, buộc ngành du lịch cũng không thể thờ ơ mà đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0.
“Vùng biển đỏ” đặt phòng trực tuyến - Báo động khẩn cấp!
Nhắc đến thị trường đặt phòng lưu trú khách sạn, không thể không nhớ đến hai ông lớn nổi tiếng toàn cầu agoda.com và booking.com. Chính bởi vị thế to lớn này, dù tốn không ít nhưng các khách sạn Việt Nam vẫn sẵn sàng “chịu chơi” để có thể xuất hiện trên hai website này.
Du lịch Việt Nam cũng buộc phải chuyển mình, nếu không muốn chịu thua ngay trên sân nhà với vô vàn lợi thế. Hàng loạt startup công nghệ như Luxstay, Vntrip xuất hiện mang theo tham vọng thay đổi cục diện thống trị này. Nhưng đâu sẽ là chiến lược và tầm nhìn đúng đắn để tìm ra “đại dương xanh” trong lĩnh vực đặt phòng trực tuyến?
Có thể bạn sẽ thấy hình thức kinh doanh của Luxstay “quen quen”. Không thể phủ nhận Luxstay đang đi theo mô hình chia sẻ phòng trực tuyến toàn cầu nổi tiếng Airbnb. Và câu hỏi được đặt ra, đó chính là nếu Airbnb nhảy vào thị trường Việt Nam thì liệu startup trẻ này có bị “đè bẹp”?
Dù Luxstay chỉ là một startup Việt non trẻ, tiềm lực khiêm tốn nhưng không thể coi thường, bởi trong nhiều khía cạnh khác, “gã trai trẻ” này lại không hề yếu thế. Luxstay đang tận dụng triệt để lợi thế của kẻ dẫn đầu cũng như sự am hiểu về thị trường bản địa, nhanh chóng thâu tóm thị trường, đẩy mạnh tốc độ phát triển tập trung vào cốt lõi và giá trị trải nghiệm của sản phẩm.
CEO Luxstay - Steven Nguyễn - cũng cho biết, startup này đang lên kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp khác để mở ra một hệ sinh thái xoay quanh hoạt động thuê và cho thuê nhà: “Mục tiêu của Luxstay là tạo ra một hệ sinh thái đủ lớn để đáp ứng mọi yêu cầu về lưu trú của khách hàng. Luxstay không chỉ cho thuê chỗ ở, mà đích đến chính là để khám phá những trải nghiệm mới”.
Luxstay, nền tảng đặt phòng trực tuyến chuyên biệt cho homestay trên Website và Mobile App
Giữa vùng báo động, làm sao để tạo dựng “đại dương xanh” cho riêng mình?
Câu trả lời của Luxstay chính là tự tạo một “sân chơi” cho riêng mình, nơi cơ hội trở thành kẻ dẫn đầu sẽ lớn hơn bao giờ hết. Với mong muốn đem đến những lựa chọn hoàn hảo nhất cho khách hàng, Luxstay định vị hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp và kỹ tính trong việc lựa chọn không gian lưu trú ngắn hạn. Không chỉ đơn thuần là một công ty trung gian cung cấp dịch vụ chỗ ở, Luxstay chính là công ty công nghệ kinh doanh dịch vụ chia sẻ chỗ ở, kết nối du lịch chuyên biệt dành riêng cho loại hình Homestay.
Được thành lập cuối năm 2016, bên cạnh sự dẫn dắt, định hướng của ông Steven Nguyễn, Luxstay còn có sự hậu thuẫn vô cùng lớn đến từ các quỹ đầu tư như: CyberAgent Ventures (Nhật Bản), Genesia Ventures (Nhật Bản), ESP Ventures (Singapore), Founders Capital (Singapore) và Nextrans (Hàn Quốc). Chính vì vậy, chỉ sau chưa đầy 2 năm ra mắt, Luxstay đã nhanh chóng cán mốc 3.000 chỗ ở, bao gồm các homestay, biệt thự cao cấp trải dài trên nhiều thành phố, địa điểm du lịch khắp Việt Nam. Mới đây, startup này còn kết hợp với “gã khổng lồ” Rakuten - đại gia thương mại điện tử Nhật để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng thị trường phát triển ra châu Á.
Và dự báo, với sự nhạy bén cùng đầy tầm nhìn chiến lược khi áp dụng kinh tế chia sẻ (sharing economy) vào ngành bất động sản và du lịch, trong tương lai Luxstay sẽ còn “bành trướng” hơn nữa khi “đi du lịch, ở homestay” dần trở thành một “phong cách” sống đầy tính trải nghiệm của giới trẻ. Đặc biệt khi theo báo cáo, tại các thành phố lớn sẽ không có thêm các khách sạn từ 4-5 sao trong vài năm tới nữa.
Chưa chịu dừng lại, Luxstay vẫn tiếp tục kêu gọi vốn để có thể đẩy mạnh đầu tư hơn nữa. Nếu chiến lược đi nhanh để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung thành công, Luxstay chắc chắn sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ, đối thủ đáng gờm trong khu vực mà tất cả đều phải dè chừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!