Cách thành phố Hà Tĩnh 60km về phía Tây Bắc, VQG Vũ Quang hiện lên như một "bức tranh thủy mạc" hùng vĩ giữa thiên nhiên đất trời với vô số cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và khu hệ động, thực vật hoang dã chưa có sự tác động của con người và nghành công nghiệp hóa.
Với lực lượng nòng cốt là các trạm kiểm lâm, việc có thêm Đồn biên phòng là đơn vị phối hợp, đồng hành đã giúp công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được đảm bảo trong thời gian qua. Theo chia sẻ từ phía VQG Vũ Quang, trong 5 năm liền từ 2019 đến nay, đơn vị không để xảy ra các vụ việc liên quan đến xâm hại rừng và cháy rừng trên diện tích được giao quản lý. Có được kết quả này là nhờ sự phối hợp rất chặt chẽ và hết sức trách nhiệm của các chiến sĩ Quân hàm xanh đóng trên địa bàn.
Đại úy Phan Văn Trọng – Đội trưởng Kiểm soát hành chính, Đồn biên phòng Hương Quang cho biết: "Tùy theo kế hoạch, mỗi tháng chúng tôi đi tuần tra 1 – 3 lần. Ngắn thì trong ngày, dài thì 8 ngày ăn ngủ trong rừng. Việc phối hợp giữa hai lực lượng rất quan trọng. Các đồng chí kiểm lâm thông thạo địa hình bên vườn hơn nên thuận lợi cho công tác bảo vệ biên giới của vườn."
Trạm Kiểm lâm Cò có nhiệm vụ quản lý 23.000 ha rừng. Đối với các cán bộ kiểm lâm ở đây, những chốt kiểm soát của bộ đội biên phòng đã đỡ đần rất nhiều cho công việc của các anh.
Anh Phạm Mạnh Dương - Cán bộ Kiểm lâm, Trạm Kiểm lâm Cò chia sẻ: "Thuận lợi nhất là có đồn biên phòng, có chốt chặn kiểm soát được người ra vào vườn. Mỗi khi mùa nóng, nguy cơ cháy rừng cao, chúng tôi sẽ cùng nhau đi kiểm tra địa bàn thường xuyên. Tuy nhiên một bất cập khác là đường vào đây xa, phải đi qua lòng hồ mất 2 tiếng, không phải lúc nào cũng có thuyền túc trực, nên khi có việc phát sinh sẽ bị chậm trễ."
Phút nghỉ ngơi bên bờ suối trong hành trình đi tuần tra rừng của Trạm Kiểm lâm Cò và bộ đội biên phòng Đồn biên phòng Hương Quang.
Trước đây, vùng lõi của VQG Vũ Quang có hơn 600 hộ dân sinh sống. Sau khi người dân được giải tỏa về khu tái định cư mới, một số thanh niên được Vườn nhận về làm công việc bảo vệ rừng. Nhìn lại quá khứ từng tham gia khai thác gỗ, săn bắt thú rừng trái phép, anh Nguyễn Huy Đồng, Tổ tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng (tổ CPT) bộc bạch: "Trước đây mình là người dân sống ở đây, dựa vào rừng, thường xuyên săn bắt động vật để trang trải cuộc sống thường ngày. Sau khi giải tỏa, 3 năm nay mình được Vườn tạo điều kiện cho làm công tác tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy. Vào rừng không săn bắt nữa mới thấy thú rừng nhiều hơn, mình cũng muốn bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm."
Anh Nguyễn Huy Đồng cho biết, nhóm phải lội qua nhiều con suối và địa hình hiểm trở khi đi làm nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Xuân Diệu (tổ CPT) cũng chia sẻ: "Từ khi về khu tái định cư theo quy hoạch thì các hộ dân được cấp phát đất, đời sống ổn định hơn. Ngày xưa ở trong rừng thì phụ thuộc vào rừng, bây giờ về dưới kia trồng trọt, chăn nuôi, đời sống của bà con khá hơn ngày trước. Mình được vườn tạo công ăn việc làm ổn định, có thu nhập để nuôi gia đình. Bản chất là sinh ra ở thiên nhiên nên đi bảo vệ rừng cũng quen và vui."
Cách đây 3 năm, Trạm Kiểm lâm Cò không điện lưới, không sóng, không internet. Còn đến bây giờ, Trạm Kiểm lâm Sao La cũng vẫn ở tình trạng như vậy. Đời sống của các cán bộ kiểm lâm có lẽ sẽ phần nào khá hơn nếu VQG Vũ Quang phát triển du lịch sinh thái như nhiều vườn khác trên cả nước.
Bữa cơm sáng ở Trạm Kiểm lâm Sao La trước khi đi tuần tra.
Ông Nguyễn Việt Hùng – Trưởng phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế, VQG Vũ Quang chia sẻ: "Phát triển du lịch sinh thái bền vững và ổn định là miếng ghép hoàn hảo cho các VQG và Khu bảo tồn. Đây cũng là nhiệm vụ của các vườn, bởi khi làm được du lịch sinh thái bền vững thì sẽ tạo ra nguồn thu nhằm tái đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và nâng cao thu nhập của cán bộ, nhân viên, từ đó giúp họ yên tâm công tác cũng như hướng tới mục tiêu tự chủ về tài chính cho các Vườn quốc gia."
Theo ông Hùng, mấy năm trở lại đây có một sự quan tâm rất quyết liệt từ lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Rừng không còn chỉ được định nghĩa với các tài nguyên như cây gỗ, động vật hoang dã nữa, mà rừng đã được cảm nhận với những giá trị thực sự mà nó mang lại, đó là điều hòa khí hậu, và giúp cho con người được thư giãn, gần gũi với thiên nhiên…. Vườn quốc gia Vũ Quang triển khai du lịch chậm và sau các vườn khác cũng là cơ hội để rút kinh nghiệm, làm hiệu quả hơn các vấn đề về chất thải, tuyên truyền quảng bá ý nghĩa của rừng đối với an ninh môi trường.
Hiện nay, Vườn quốc gia Vũ Quang đang xây dựng đề án chi tiết về phát triển du lịch, với kỳ vọng thu hút những nhà đầu tư có tâm và có tầm để phát triển du lịch một cách bền vững. Những đàn khỉ thường xuyên nhảy nhót kiếm ăn ở Trạm Kiểm lâm Cò lúc 5h làm anh Dương yêu thích, biết đâu lại đánh thức được lòng trắc ẩn trong mỗi du khách khi đến với rừng trong một ngày của tương lai.
Vẻ đẹp hoang sơ của Vườn quốc gia Vũ Quang.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!