Đối với một số du khách, Aokigahara là một nơi có vẻ đẹp bình yên và sự thanh thản. Những người đi bộ thích thử thách có thể lội qua những bụi cây rậm rạp, rễ cây thắt nút và mặt đất đá để tiếp cận khung cảnh tuyệt vời của núi Phú Sĩ. Trẻ em đến trường cũng thỉnh thoảng ghé thăm nơi này và coi đó là chuyến đi thực địa để khám phá khu vực hang động nổi tiếng của vùng.
Ở rừng Aokigahara những cái cây mọc rất gần nhau, đến nỗi du khách khi bước vào đó sẽ dành phần lớn thời gian ở trong bóng tối hoặc nửa sáng, nửa tối. Điều mà hầu hết những người từng đến rừng tự sát nói rằng họ nhớ nhất là cảm giác cực kỳ im lặng. Trong sự tĩnh lặng tới ghê người, ngay cả mỗi một hơi thở cũng có thể nghe như tiếng gầm rú.
Aokigahara luôn bị mắc kẹt với những câu chuyện ghê rợn. Câu chuyện cổ nhất và ghê rợn nhất - cũng có thể coi là thiếu tính xác thực đó là nói về một phong tục cổ xưa của Nhật Bản được gọi là ubasute. Truyền thuyết kể rằng vào thời phong kiến, khi thực phẩm khan hiếm và tình hình trở nên bế tắc, các gia đình có thể đưa người già phụ thuộc - điển hình là phụ nữ - đến một địa điểm xa xôi và bỏ lại đó.
Rừng Aokigahara từng là một nơi yên tĩnh, trang trọng nhưng từ những năm 1960 trở lại đây, các báo cáo cho rằng, ước tính có tới 100 người tự kết liễu đời mình trong khu rừng tự sát mỗi năm. Nhiều du khách tuyên bố họ nhìn thấy ma và các linh hồn tại khu rừng này. Ngày nay, khu rừng được cho là thuộc về nỗi buồn và sự đau khổ.
Kể từ những năm 1970, cảnh sát, tình nguyện viên và nhà báo thường tới khu rừng này và lùng sục khắp nơi để tìm kiếm các thi thể. Họ gần như không bao giờ trở ra "tay không". Số lượng các thi thể được tìm thấy đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Đỉnh điểm là vào năm 2004, khi họ tìm thấy 108 thi thể trong khu rừng.
Aokigahara là nơi xảy ra nhiều vụ tự tử hơn bất kỳ địa điểm nào khác trên thế giới. Khu rừng đã trở thành nơi an nghỉ cuối cùng của rất nhiều người dù chính quyền đã đặt các biển báo dày đặc trong rừng như: "Hãy suy nghĩ lại", "hãy suy nghĩ cẩn thận về con cái và gia đình bạn".
Năm 2010, có 247 người cố tự sát trong rừng, trong đó 54 người đã qua đời. Treo cổ là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất, ngoài ra, một số người chọn cái chết bằng cách sử dụng thuốc quá liều. Có những đội tuần tra thường xuyên di chuyển trong khu vực này, họ hy vọng sẽ có thể thuyết phục những người tìm đến đây "suy nghĩ lại".
Không phải tất cả mọi người tới rừng tự sát đều là để lên kế hoạch cho cái chết của mình. Nhiều người chỉ đơn giản là khách du lịch. Nhưng ngay cả khách du lịch cũng không thể thoát khỏi "danh tiếng" của khu rừng. Những người đi lạc đôi khi gặp phải những sự nhắc nhở đáng kinh ngạc về những bi kịch trong quá khứ khi thấy đồ đạc cá nhân rải rác khắp rừng, những đôi giày phủ đầy rêu, những bức ảnh, cặp sách, quần áo rách...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!