Nằm trên sườn Núi Lớn, cách mực nước biển hơn 100m, trận địa pháo cổ với 6 khẩu đại pháo, mỗi khẩu nặng 15 tấn vẫn còn giữ nguyên hiện trạng dù đã trải qua bao biến cố của thời gian. Tất cả các khẩu đại pháo này được bố trí theo hình vòng cung hướng ra Biển Đông.
Ông Trần Bá Việt - Trưởng phòng văn hóa thông tin TP Vũng Tàu cho biết, năm 1885, khi thực dân Pháp thấy khu vực vịnh Gành Rái cửa ngõ vào Sài Gòn rất quan trọng đối với người Pháp nên đã cho xây trân địa pháo cổ này, để bảo vệ vịnh Gành Rái. Việc xây dựng, vận chuyển, lắp dựng trận địa pháo này được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức thủ công, trong đó huy động phần lớn nhân công của tù nhân, dân phu người Việt.
Mỗi khẩu đại pháo được đặt cách nhau 17,5m. Ở chuôi mỗi nòng pháo đều có ghi rõ thông tin sản xuất và thông số kỹ thuật của khẩu pháo. Cỡ nòng (tức đường kính trong) các khẩu pháo này là 240mm. 6 khẩu pháo tại trận địa được sản xuất từ năm 1872 - 1876, trọng lượng hơn 15 tấn. Phía sau mỗi bệ pháo là hầm chứa đạn và hầm pháo thủ, liên kết với nhau bằng một hệ thống giao thông hào.
Một khẩu pháo bằng thép gồm 3 phần: Nong pháo, giá đỡ và mâm xoay. Nòng pháo dài 4m, giá đỡ cho phép pháo có thể nâng lên hay hạ tầm bắn, mâng xoay giúp pháo có thể xoay nhiều hướng khác nhau, đến mâng xoay được liên kết chặt chẽ xuống nền xi măng giúp cho pháo rất chắc chắn...
Ông Trần Bá Việt - Trưởng phòng văn hóa thông tin TP Vũng Tàu - cho biết thêm, ngoài khu vực Trận địa pháo này, hiện nay trên sườn Yên ngựa của núi nhỏ và rải rác một số khẩu pháo nữa mà người Pháp để lại mà hiện nay chúng tôi đang tiến hành trùng tu bảo vệ… Cơ quan chức năng đã bảo vệ làm sạch sẽ, giữ nguyên hiện trạng để đảm bảo cho giá trị lịch sử được giữ nguyên hiện trạng.
Cách trận địa pháo cổ khoảng 200m là hầm thủy lôi. Hầm thủy lôi được xây dựng năm 1941 khi Nhật vào Việt Nam, cụ thể là sau khu Nhật đảo chính Pháp. Hầm được xây dựng với mục đích án ngữ Vịnh Gành Rái. Hầm chứa các quả thủy lôi nhằm rải trên vịnh với mục tiêu ngăn chặn tàu liên quân Anh - Pháp có thể tấn công vào Sài Gòn..., sau này hầm đã sử dụng để nuôi dấu chiến sĩ, cất dấu vũ khí để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến.
Hầm thủy lôi xây theo hình vòm, trên nóc đổ đá và xi măng. Hai cửa hầm vừa cao vừa rộng cách nhau 8,5 mét. Lòng hai hầm được bố trí thông nhau theo hình chữ U với chiều cao của hầm 2,7 mét. Bên trong hầm thủy lôi, mỗi hầm có diện tích khoảng hơn 100m2. Thời chống Pháp, quân và dân Vũng Tàu đã bí mật lấy hàng chục trái thủy lôi để chế bom mìn tự tạo, tiêu diệt địch.
Khám phá trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi tại Núi Lớn, Vũng Tàu không chỉ đưa du khách đến với thiên nhiên tươi đẹp mà còn làm sống lại lịch sử đấu tranh của quân và dân Vũng Tàu, hiểu thêm những khó gian khổ trong 9 năm kháng chiến đánh Pháp, đuổi Nhật góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!