Nếu bạn muốn sống lâu và khỏe mạnh, việc áp dụng một số khía cạnh của lối sống Nhật Bản có thể hữu ích. Theo báo cáo, tuổi thọ trung bình của nữ giới Nhật Bản là 87,3 tuổi và 81,2 tuổi đối với nam giới. Ở Úc, tuổi thọ trung bình là 84,6 đối với nữ và 80,4 đối với nam.
Tiến sĩ tâm lý Mandy Deeks cho biết: "Có rất nhiều điều có thể học được từ người Nhật. Sự đơn giản, yên tĩnh, hòa mình vào thiên nhiên, chấp nhận những điều không hoàn hảo và sự tĩnh lặng... có thể cực kỳ có giá trị đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta".
Vậy làm thế nào chúng ta có thể áp dụng một số phẩm chất này vào cuộc sống của mình?
Cân bằng công việc bằng cách trở về với thiên nhiên
Nhật Bản là một trong những quốc gia làm việc chăm chỉ nhất thế giới. Họ thậm chí còn có từ "chết vì làm việc quá sức": Karoshi. Thuật ngữ này thừa nhận rằng làm việc quá sức trong thời gian dài có thể gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất.
Người Nhật cân bằng điều này bằng cách coi trọng tôn giáo Shinto và sự trân trọng thiên nhiên. Dành thời gian trong rừng đặc biệt phổ biến và việc "tắm rừng" có tác dụng tích cực đối với huyết áp, mức độ căng thẳng và sức khỏe tim mạch.
Nhà nghiên cứu người Anh Caoimhe Twohig-Bennett cho biết: "Tắm rừng đã thực sự phổ biến như một liệu pháp trị liệu ở Nhật Bản với những người tham gia dành thời gian trong rừng để ngồi hoặc nằm, hoặc chỉ đi dạo xung quanh thiên nhiên".
"Phần lớn nghiên cứu từ Nhật Bản cho thấy rằng phytoncides – hợp chất hữu cơ có đặc tính kháng khuẩn – do cây tiết ra có thể giải thích các đặc tính tăng cường sức khỏe của việc tắm rừng".
Hoàn toàn ổn nếu không hoàn hảo
Triết lý wabi-sabi của Nhật Bản là chấp nhận sự không hoàn hảo. Tiến sĩ Deeks, giám đốc The Health Information Company, cho biết: "Tôi thấy rất nhiều người lo lắng và chán nản vì họ hướng tới sự hoàn hảo - ngôi nhà hoàn hảo, sự nghiệp hoàn hảo và vẻ ngoài hoàn hảo. Và khi phấn đấu đạt đến sự hoàn hảo, chúng ta vứt bỏ những thứ mà chúng ta cho là xấu xí hoặc cũ kỹ mà không đánh giá cao những gì thứ đó đã làm cho chúng ta".
"Sẽ tốt hơn cho lòng tự trọng của chúng ta nếu chúng ta nhận ra rằng cuộc sống không hoàn hảo và những thứ không hoàn hảo vẫn là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta".
Học cách yêu thương "vết thương chiến đấu" của bản thân
Người Nhật gọi nó là kintsugi – nghệ thuật sửa chữa và dán lại những đồ trang trí, đồ gốm bị vỡ bằng sơn mài vàng. Vì vậy, khi một thứ gì đó bị vỡ, nó sẽ được sửa chữa và trưng bày một cách đầy kiêu hãnh với những "vết sẹo" bằng vàng.
Tiến sĩ Deeks cho biết khái niệm tương tự đó có thể được sử dụng để giúp chữa lành những vết sẹo trong cuộc sống của chúng ta. Cô nói: "Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng thất bại là người thầy vĩ đại nhất của chúng ta, nhưng chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thất bại ở điều gì đó thì mọi người sẽ đánh giá chúng ta là kẻ vô dụng".
"Một vết thương hở có thể là dấu hiệu cho thấy điều gì đó đau đớn đã xảy ra với chúng ta nhưng khi lành vết sẹo đó sẽ nhắc nhở chúng ta đừng tái phạm. Những vết sẹo dạy chúng ta phải cẩn thận và xây dựng sức mạnh".
Tìm ý thức về mục đích sống
Người Nhật tin vào sức mạnh của Ikigai, hay còn gọi là ý thức về một cuộc sống đáng sống. Một nghiên cứu của Nhật Bản năm 2008 cho thấy những người có cảm giác ikigai thấp hơn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
Tiến sĩ Deeks cho biết: "Đó là một dấu hiệu chung về sức khỏe tâm lý nếu bạn có ý thức đóng góp, thành tựu và cống hiến cho điều gì đó. Giá trị của bạn là gì? Điều gì là quan trọng đối với niềm tin của bạn? Hãy tìm ra điều đó và nó sẽ giúp ích cho lòng tự trọng cũng như mang lại cho bạn cảm giác đạt được thành tựu".
Khám phá những cách sáng tạo để giữ chánh niệm
Nghệ thuật Ikebana hay cắm hoa của Nhật Bản không chỉ đơn giản là tạo ra thứ gì đó đơn giản và đẹp đẽ mà còn giúp chúng ta có chánh niệm. Một nghiên cứu của Nhật Bản năm 2015 cho thấy Ikebana có thể giúp giảm cảm giác căng thẳng và lo lắng bằng cách giúp làm dịu nhịp thở.
"Việc cắm hoa giúp bạn tận hưởng khoảnh khắc hiện tại" - Tiến sĩ Deeks cho biết - "Bạn có thể cảm nhận được cuống hoa trong tay, ngửi mùi hoa và tạo ra thứ gì đó trông thật đẹp mắt".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!